banner
Chủ nhật, ngày 5 tháng 1 năm 2025
KHCN tuần qua: GS Việt nhận giải thưởng danh giá, vật liệu tàng hình nhờ bẻ cong ánh sáng
29-10-2019

Ngoài ra, việc thử nghiệm thành công cáp quang siêu nhanh và ra mắt máy tính lượng tử siêu mạnh giải bài toán 10.000 năm trong 3 phút cũng là những sự kiện đáng chú ý.

1. Giáo sư người Việt giành giải quốc tế cho nhà toán học trẻ

GS Phạm Hoàng Hiệp (37 tuổi), Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã giành giải thưởng Ramanujan 2019 - dành cho các nhà toán học trẻ từ các nước đang phát triển. Giải thưởng ghi nhận những đóng góp nổi bật của GS Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức và lý thuyết đa thế vị cùng những đóng góp cho sự tiến bộ của toán học tại Việt Nam.

GS Phạm Hoàng Hiệp. Ảnh: Thanh Tùng

GS Hiệp cho biết, vào tháng 12 tới trong lễ trao giải tại Italy anh sẽ chia sẻ về các kết quả nghiên cứu khoa học trước hội đồng giải thưởng là các nhà toán học danh giá của thế giới.

Giải thưởng Ramanujan được trao hàng năm kể từ năm 2005. Hội đồng giải thưởng là các nhà toán học danh tiếng trên thế giới do Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ICTP, Liên minh toán học quốc tế (IMU) và Bộ Khoa học và Công nghệ của Chính phủ Ấn Độ (DST) chỉ định.

2. Việt Nam chế tạo và sở hữu vệ tinh radar

 Vệ tinh LOTUSat-1- vệ tinh quan sát Trái đất bằng công nghệ radar đầu tiên do Việt Nam sở hữu đã bắt đầu được chế tạo. Việc chế tạo vệ tinh này nằm trong Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất”, một dự án KHCN trọng điểm của Việt Nam.

Việt Nam đang từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh. Ảnh: Vệ tinh MicroDragon được phóng vào vũ trụ ngày 18/1/2019

Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570 kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể có kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. LOTUSat-1 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu.

Đây sẽ là một bước tiến mới trong việc làm chủ công nghệ vệ tinh sau khi các kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế, chế tạo thành công vệ tinh MicroDragon 50 kg.

3. Hai ĐH của Việt Nam lần đầu vào bảng các ĐH tốt nhất toàn cầu

Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu - Best Global Universities.

2 ĐHQG Việt Nam lọt bảng xếp hạng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được đánh giá nhưng chưa vào bảng xếp hạng.

Việt Nam có hai cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên được xếp hạng ở bảng xếp hạng này, đó là ĐH Quốc gia Hà Nội có thứ hạng 1.059, số 1 Việt Nam, tiếp theo là ĐH Quốc gia TPHCM có thứ hạng 1.176. Ngoài ra, Việt Nam còn có ĐH Tôn Đức Thắng cũng được đánh giá nhưng chưa có thứ hạng. Năm nay, có 1.599 trường đại học, thuộc 81 quốc gia, được đưa vào đánh giá, trong đó có 1.500 trường được xếp hạng. 

4. Lá nhân tạo biến ánh nắng thành năng lượng

Các chuyên gia tại Đại học Cambridge vừa phát minh ra một thiết bị có cơ chế hoạt động như một chiếc lá.

Lá nhân tạo giúp sản xuất nhiên liệu thân thiện với môi trường. Ảnh: Independent

Nhờ vào vật liệu mới và chất xúc tác từ coban, nó có khả năng bắt chước quang hợp chuyển hoá ánh sáng Mặt trời, CO2 và nước thành khí đốt tổng hợp. Đặc biệt, chiếc lá vẫn hoạt động hiệu quả khi trời nhiều mây hoặc mưa. Các nhà hy vọng từ loại khí này, họ có thể tạo ra một loại nhiên liệu lỏng bền vững giúp giao thông vận tải phát triển bền vững.

5. Vật liệu tàng hình nhờ biết bẻ cong ánh sáng

Hyperstealth, công ty thiết kế vật liệu ngụy trang ở Canada, đang phát triển công nghệ tàng hình mới nhất mang tên Quantum Stealth. Vật liệu này mỏng như giấy, giá thành rẻ và không đòi hỏi nguồn năng lượng. 

Ảnh: Hyperstealth Biotechnology

Quantum Stealth hoạt động như thấu kính, có thể bẻ cong ánh sáng khiến cho người quan sát chỉ nhìn thấy vật thể ở rất sát hoặc cách xa bề mặt kính. Do đó, người hoặc vật phía sau vật liệu sẽ vô hình nếu đứng ở khoảng cách thích hợp. Đây được ví như chiếc áo tàng hình của Harry Potter.   

6. Phát hiện siêu thiên hà mới

Nhóm nhà thiên văn đại học Arizona vừa nhận ra một vùng sáng mờ trong hình ảnh mới của hệ thống kính viễn vọng ALMA, Chile.

Sau nhiều phân tích, họ xác định Thiên hà khổng lồ ẩn mình sau đám mây khí bụi và có tốc độ hình thành sao mới gấp 100 lần dải Ngân Hà. Khả năng ánh sáng được ghi lại vốn phát ra từ những hạt bụi bị nung nóng khi các ngôi sao mới hình thành bên trong thiên hà. Họ hy vọng phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học tìm kiếm được câu trả lời của sự hình thành các dải ngân hà khác khi vũ trụ còn non trẻ.

7. Thử nghiệm thành công cáp quang nhanh gấp 100 lần Internet

Viện Nghiên cứu Hệ thống Mạng thuộc Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nhật Bản (NICT) vừa phát triển và thử nghiệm thành công đường cáp quang có khả năng truyền tín hiệu với tốc độ 1 Petabit/giây.

Ảnh minh họa

Tốc độ này gấp 100 lần khả năng mạng internet hiện tại. Cáp quang mới áp dụng hệ thống chuyển mạch (switch) cáp quang phát triển dựa trên công nghệ MEMS (hệ vi cơ điện tử bao gồm các cảm biến và các bộ chấp hành có kích thước rất nhỏ cỡ micromet và milimet), ba loại dây dẫn thế hệ mới, khả năng điều hướng tín hiệu từ 10 Terabit/giây lên tới 1 Petabit/giây. Công bố này là một bước tiến lớn để nhân loại tạo nên một khung sườn cáp quang tốc độ vượt trội.

8. Phát minh đột phá: Điều khiển được lượng tử

IBM Research vừa công bố một đột phá mới trong công nghệ nano, cho phép các nhà nghiên cứu đặt vị trí từng nguyên tử đơn lẻ, rồi điều khiển các đặc tính lượng tử của chúng.

Cụ thể, họ sử dụng một công cụ đặc biệt có tên Kính hiển vi Quét Đường hầm (STM) có một đầu nhỏ như đầu kim, dùng để đẩy nguyên tử tới lui trong không gian nghiên cứu. Điều này giúp nâng tầm khả năng máy tính lên một trạng thái mới có tên là “trạng thái chồng”, vượt trội hơn máy tính hiện nay. Phát minh này được đánh giá là nền móng tối quan trọng để xây dựng một cỗ máy tính lượng tử hiệu quả.

9. Google đạt được sự đột phá về máy tính lượng tử

Tập đoàn công nghệ Google vừa công bố sự phát triển vượt bậc của máy tính lượng tử do hãng chế tạo. Theo Google, thành tựu này giống như việc chế tạo tên lửa đầu tiên rời khỏi bầu khí quyển Trái Đất và chạm vào rìa vũ trụ.

Siêu máy tính lượng tử mới của Google có thể giải bài toán mất 10.000 năm để xử lý chỉ trong 200 giây. Ảnh: Google.

Các nhà khoa học đặt cho máy tính lượng tử một nhiệm vụ phức tạp để phát hiện các mẫu trong một chuỗi các số dường như ngẫu nhiên. Máy tính của Google đã giải quyết vấn đề trong 3 phút và 20 giây. Các nhà khoa học ước tính, siêu máy tính Summit mạnh nhất thế giới hiện nay sẽ mất 10.000 năm để giải quyết vấn đề tương tự.

 10. Lần đầu tiên nuôi cấy thành công thịt bò và thịt thỏ

Các nhà khoa học ĐH Harvard đã nuôi thành công thịt nhân tạo từ tế bào bò và thỏ trong phòng thí nghiệm. Nhóm chuyên gia đã sử dụng phương pháp quay tạo sợi từ gelatin ăn được tương tự như quá trình làm kem bông. Các sợi này tương tự với cấu trúc mô tự nhiên của thịt. Các tế bào của bò và thỏ sẽ neo vào các nền tảng gelatin và phát triển tương tự như thịt thật, tạo thành những miếng thịt dài và mỏng.

Thịt nhân tạo. Ảnh: CNN

Khi so sánh với mô cơ của thịt thỏ tự nhiên, protein của thịt nhân tạo trông khá giống nhau. Về lâu dài, các nhà nghiên cứu hi vọng có thể tạo ra loại chất liệu giống như thịt có thể nấu và được chế biến thành nhiều dạng thức khác nhau như với thịt tự nhiên.

Theo khampha.vn

Số lượt xem:1710

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


646840 Tổng số người truy cập: 4246 Số người online:
TNC Phát triển: