banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
KHCN tuần qua: Hai công trình khoa học nhận thưởng gần ba tỷ đồng
29-6-2020

Ngoài ra, Việt Nam thử nghiệm thành công vaccine nCoV trên chuột, Nhật Bản có siêu máy tính nhanh nhất thế giới cũng là một số sự kiện KHCN đáng chú ý.

1. Việt Nam thử nghiệm thành công vaccine nCoV trên chuột

Ngày 27/6, ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) - Bộ Y tế, cho biết sau đợt tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 lần 2, 50 con chuột được tiêm thử nghiệm có đáp ứng miễn dịch.

150 con chuột được tiêm vaccine thử nghiệm trong ngày 26/4. Ảnh: ĐVCC

Với thành công bước đầu này, đơn vị nghiên cứu sẽ hoàn thiện quy mô, hướng đến tạo thành vaccine sử dụng cho người. Đại diện công ty cho biết, quá trình này mất nhiều thời gian và phải qua các khâu khảo sát, đánh giá hiệu quả, khoảng 8 đến 9 tháng nữa sẽ có vaccine chính thức.

2. Hai công trình khoa học nhận thưởng 111.000 USD 

Giải thưởng Bảo Sơn 2019 vừa được tổ chức vinh danh công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa của PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng và nhóm cộng sự đến từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Giải thưởng của nhóm trị giá 50.000 USD. Đây là là công trình nghiên cứu công phu, phức tạp trong suốt 20 năm về một công nghệ sấy tiên tiến bậc nhất hiện nay.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (phải) và đại diện Tập đoàn Bảo Sơn (trái) trao giải cho PGS Hồ Anh Sơn, Học viện Quân Y. Ảnh: VNE

Trong khi đó, giải thưởng Bảo Sơn đặc biệt năm 2020 được trao cho công trình nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 do Học viện Quân y (đơn vị nghiên cứu) và công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (đơn vị sản xuất) phối hợp thực hiện. 

Xét thấy ý nghĩa và giá trị khoa học của công trình nghiên cứu cho đất nước trong giai đoạn dịch bệnh, ban tổ chức Giải thưởng Bảo Sơn quyết định trao giải thưởng đặc biệt trị giá 60.000 USD cho công trình này.

3. Bộ Y tế cấp số lưu hành cho máy thở của Vingroup

Ngày 24/6, Bộ Y tế ra Quyết định số 2591/QĐ-BYT về cấp số đăng ký lưu hành cho máy thở Vsmart VFS-510. Với giấy phép này, Vingroup có thể tiến hành sản xuất đại trà, cung cấp máy thở cho thị trường trong nước; đồng thời sẵn sàng xuất khẩu, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Máy thở VFS-510 được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và đã được gửi đi nhiều nước qua con đường ngoại giao y tế

VFS-510 là mẫu máy thở “made in Vietnam” đầu tiên được công nhận chính thức bởi Bộ Y tế. Sản phẩm đã trải qua các bài đo kiểm chất lượng độc lập, được tiến hành đánh giá lâm sàng thông qua việc sử dụng thực tế tại nhiều bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Quân Y 103, Vinmec,... với sự theo dõi, đánh giá sát sao của các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia đầu ngành.

4. Kit thử Covid-19 của sinh viên được quốc tế tài trợ

Nhóm sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp để sản xuất sản phẩm xét nghiệm Covid-19, cho ra kết quả nhanh và chính xác lại có thể tự làm ngay tại mọi phòng thí nghiệm với giá thành rẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Vy (hàng gần nhất, thứ 3 từ phải sang) cùng các sinh viên bộ môn Di truyền.

Đây là 1 trong 4 ý tưởng đã vượt qua gần 60 dự án trong nước, gần 2.000 dự án từ 79 quốc gia về ứng phó với đại dịch Covid-19 được nhận tài trợ 4.000 euro (gần 105 triệu đồng) từ Tổ chức Giáo dục Đại học Pháp ngữ (AUF).

5. Thuốc chữa bệnh từ thảo dược dân gian

TS Nguyễn Phi Hùng, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, tìm thấy hợp chất kháng ung thư, hạ đường huyết trong cây râu mèo. TS cùng cộng sự tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu để thương mại hóa, hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường.

Cây râu mèo dễ dàng tìm thấy ở Việt Nam cũng như đưa vào trồng hàng loạt, giúp chủ động nguồn cung cho thuốc

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phương Dung và nhóm nghiên cứu Đại học Y Dược TP.HCM điều chế viên nang cứng DR từ diệp hạ châu và râu mèo, có tác dụng ức chế enzym xanthin oxidase và tăng thải acid uric, chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gout, tăng huyết áp,...

6. Làm xi măng từ muối thải

Kiến trúc sư Wael Al Awar và Kenichi Teramoto, Công ty thiết kế Waiwai (UAE), tách hợp chất magie từ nước muối để tạo xi măng. Sản phẩm của họ có hiệu quả tương đương xi măng Portland vốn dùng canxi carbonate làm nguyên liệu thô và là xi măng phổ biến nhất trong ngành sản xuất bê tông.

Hai kiến trúc sư bên cạnh sản phẩm xi măng magie của mình tại UAE. Ảnh: The National.

Vì có thành phần xuất phát từ muối, xi măng magie vẫn có hạn chế là ăn mòn cốt thép. Tuy vậy nếu cốt bằng các vật liệu khác thì sẽ khắc phục được trở ngại, giúp giảm lượng khí thải CO2 vào môi trường so với sản xuất xi măng truyền thống.

7. Nhật Bản có siêu máy tính nhanh nhất thế giới

Viện nghiên cứu Riken do chính phủ Nhật Bản tài trợ, phát triển phiên bản mới nhất của siêu máy tính Fugaku, trở thành siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, Fugaku còn về nhất ở 3 hạng mục: ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn.

Siêu máy tính Fugaku do Viện nghiên cứu Riken phát triển.

Đây là lần đầu tiên trong 9 năm qua, một siêu máy tính của Nhật Bản đạt vị trí dẫn đầu và là lần đầu tiên trong lịch sử một siêu máy tính đứng đầu bảng trong cả 4 hạng mục quan trọng.

8. Công nghệ AI biến bức hoạ nguệch ngoạc thành ảnh chân dung sống động

Nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Hong Kong giới thiệu DeepFaceDrawing, hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng biến những bản vẽ phác họa chân dung thành gương mặt người một cách chân thực và sống động.

Khả năng dựng ảnh từ tranh đơn nét của AI. Ảnh: Geometrylearning

Hệ thống được nạp 17.000 bản phác thảo có chất lượng khác nhau, từ các bức vẽ nguệch ngoạc cho đến các bức tranh chi tiết, do vậy nó có khả năng nhận diện tốt hơn so với ứng dụng khác. Công nghệ được sử dụng trong việc thiết kế nhân vật, điều tra tội phạm.

9. Phát hiện siêu Trái Đất cách 11 năm ánh sáng

Các nhà thiên văn học phát hiện hai ngoại hành tinh thuộc nhóm siêu Trái Đất quay quanh Gliese 887, ngôi sao lùn đỏ sáng nhất trên bầu trời. Ở cách Trái Đất khoảng 10,7 năm ánh sáng, Gliese 887 là ngôi sao gần thứ 12.

Đồ họa mô phỏng ngôi sao Gliese 887 cùng 2 hành tinh của nó. Ảnh: Mark Garlick.

Với khối lượng gần bằng 1/2 Mặt Trời, Gliese 887 cũng là sao lùn đỏ nặng nhất trong phạm vi 20 năm ánh sáng quanh Trái Đất. Ngôi sao lùn này cũng có 3 hành tinh xoay quanh quỹ đạo của nó.

10. Máy cày không người lái trang bị 5G

Mẫu máy cày không người lái chạy bằng pin nhiên liệu hydro đầu tiên mang tên ET504-H của Trung Quốc vừa được ra mắt. Cỗ máy được trang bị công nghệ 5G có thể điều khiển từ xa hoặc tự hành hoàn toàn.

Máy cày không người lái được trang bị 5G của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Với kết nối 5G, ET504-H cho phép người điều khiển theo dõi trạng thái hoạt động của phương tiện cũng như môi trường làm việc xung quanh trong thời gian thực. Ngoài pin nhiên liệu hydro, cỗ máy còn được bổ sung điện từ pin Lithium trong trường hợp quá tải. Đây là một trong những nỗ lực mới nhất nhằm phát triển một nền nông nghiệp 4.0 thân thiện với môi trường.

Link liên kết nguồn: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-tuan-qua-vn-thu-vaccine-thanh-cong-tren-chuot-c7a767833.html

Theo khampha.vn

Số lượt xem:2703

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


549758 Tổng số người truy cập: 152 Số người online:
TNC Phát triển: