banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
KHCN tuần qua: Động vật bí ẩn tái xuất hiện ở Việt Nam, Chế thành công da nhân tạo
18-11-2019

Loài động vật bí ẩn với kích thước như một con thỏ nhưng hình dáng giống một con hươu được phát hiện ở Việt Nam sau gần 30 năm đã khiến các nhà bảo tồn động vật thế giới phấn khích.

1. Cheo cheo Việt Nam tái xuất sau gần 3 thập kỉ

Các nhà khoa học vừa phát hiện loài cheo cheo lưng bạc hay cheo cheo Việt Nam sau gần 3 thập kỷ biến mất nhờ vào camera quan sát được đặt trong rừng. Phát hiện này nhanh chóng gây chấn động trong giới nghiên cứu và được đồng loạt các tờ báo khoa học lớn trên thế giới đưa tin.

Hai cá thể cheo cheo lưng bạc được camera ghi lại. Ảnh: GWC.

Lần cuối cùng sự xuất hiện của loài này được ghi nhận là khi một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nga thu được xác một con cheo cheo lưng bạc từ một người thợ săn. Cheo cheo lưng bạc nằm trong danh sách 25 loài mất tích được tìm kiếm nhiều nhất của tổ chức phi chính phủ Global Wildlife Conservation (GWC). Chúng nặng chưa tới 4,5 kg, khá nhát, đi bằng móng guốc và có hai răng nanh nhỏ. Phát hiện được công bố chi tiết hôm 11/11 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.

2. Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới

Gạo ST24 của Việt Nam đã vượt qua các đối thủ đến từ Thái Lan và Campuchia để giành được danh hiệu "gạo ngon nhất thế giới" tại cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trade tổ chức.

   Giống lúa ST24 được trồng đại trà từ năm 2016.

Giống lúa ST24 do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sỹ Trần Tấn Phương và thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương tại tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu lai tạo. Được khởi nguồn nghiên cứu từ cách đây 10 năm, năm 2014, giống được đưa vào khảo nghiệm và đến năm 2016 bắt đầu trồng thử. Đây là giống lúa ngắn ngày, cho gạo hạt dài, mặt gạo trắng, đẹp, sản lượng đạt tới 7 tấn/1ha. Đặc biệt, ST24 có thể thích ứng tốt với điều kiện thời tiết biến đổi khí hậu, chống chịu được phèn, mặn tốt.

3. Kỹ thuật mổ nội soi “bảo tồn” thận đoạt giải KOVA

Với công trình nghiên cứu “Phẫu thuật nội soi cắt một phần thận trong điều trị bướu thận nhỏ”, tập thể khoa niệu A, bệnh viện Bình Dân đã xuất sắc đoạt giải thưởng KOVA lần thứ 17, hạng mục Kiến tạo.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (trái) và PGS.TS Nguyễn Thị Hòe (phải)

           trao tặng giải thưởng cho thành viên nhóm nghiên cứu.

Nhóm tác giả đã tiên phong nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật nội soi và cắt một phần thận trong điều trị bướu thận nhỏ. Điều này mang đến phương pháp điều trị an toàn trong ung thư học, ít xâm hại và bảo tồn tối đa nhu mô thận còn lại. Đây cũng là một kỹ thuật khó, đòi hỏi cao về chuyên môn và chịu áp lực nhiều hơn.

Giải thưởng KOVA là giải thưởng thường niên do PGS.TS Nguyễn Thị Hòe sáng lập và vận hành từ năm 2002 đến nay. Giải thưởng KOVA năm 2019 gồm 3 hạng mục gồm: Kiến tạo, sống đẹp và triển vọng.

4. Ra mắt máy bay điện đầu tiên

Nasa vừa tiết lộ phiên bản đầu tiên của mẫu máy bay thử nghiệm vận hành bằng điện X-57 "Maxwell" trong phòng thí nghiệm hàng không trên sa mạc California.

Phiên bản đầu tiên của mẫu máy bay thử nghiệm vận hành bằng điện X-57 "Maxwell"

Từ phiên bản máy bay cánh quạt hai động cơ Tecnam P2006T do Italy chế tạo, X-57 được gắn thêm hai motor điện lớn nhất và trang bị bộ pin lithium - ion thiết kế đặc biệt. Do kích thước nhỏ gọn và có ít bộ phận chuyển động hơn động cơ đốt trong, hệ thống motor điện cũng dễ bảo dưỡng và nhẹ hơn, đòi hỏi ít năng lượng để bay. Tuy nhiên do hạn chế về pin, X-57 hiện phù hợp với các chuyến bay ngắn và số lượng hành khách nhỏ.

5. Phương tiện chở người bằng bóng

Jyroball là phương tiện di chuyển bằng điện có hình tròn tự cân bằng do công ty Moby (Dublin) sáng chế. Quả bóng này chỉ nặng 9kg và đường kính vỏn vẹn 25cm.

Phương tiện tự cân bằng hình quả bóng vận hành bằng điện

Cơ chế vận hành của chúng tương tự ván trượt hoverboard. Jyroball có thể đạt đến tốc độ 19km/h, chạy trên đường dốc 15 độ và đi được quãng đường 22,5km với 1 lần sạc.

6. Virus mới tiêu diệt mọi loại tế bào ung thư

Chuyên gia ung thư người Mỹ Yuman Fong và công ty công nghệ sinh học Imugene vừa tạo ra một loại virus mới được tiêm trực tiếp vào khối u trong cơ thể bệnh nhân để điều trị qua phương pháp mang tên CF33. Loại virus mới được biến đổi dựa trên virus đậu mùa và vô hại đối với con người.

Cơ chế như sau: virus sẽ xâm nhập vào tế bào ung thư và khiến chúng phát nổ. Sau đó, hệ miễn dịch sẽ được báo động về những tế bào ung thư khác trong cơ thể để tiêu diệt chúng. Thành công khi thử nghiệm với chuột không đảm bảo virus hiệu quả cho người nên nghiên cứu cần kiểm tra tiếp để có thể tạo ra bước đột phá hoàn chỉnh.

7. Đồng hồ biểu bì phát sáng dưới da

Dựa trên màn hình điện phát quang xoay chiều (ACEL) có thể cấy được trên da từ vài năm trước, các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) đã phát triển một thiết bị phát sáng dưới da hiệu quả và an toàn hơn cho da người.

 

Họ đã thay một loại vật liệu điện môi mới tạo bởi các hạt nano gốm nhúng trong một loại polymer cao su vào trong hỗn hợp tạo ra ACEL để giúp tăng độ sáng hơn hiện tại. Từ vật liệu này, nhóm nghiên cứu tạo ra màn hình đồng hồ bấm giờ gồm 4 chữ số, gắn trên tay tình nguyện viên. Ở điện áp thấp, màn hình vẫn đủ sáng để theo dõi trong nhà và có thể ứng dụng trong các thiết bị thông minh tương lai.

8. Keo siêu dính ở môi trường nước

Chất kết dính này được gọi là hydrogel, tạo từ các chuỗi phân tử polymer, sử dụng lực tĩnh điện giữa các phân tử này để chất keo bám vào các bề mặt mang điện tích âm trong môi trường nước, cả nước biển. Những bề mặt này có thể là vật liệu bằng thủy tinh, đá và kim loại.

Được biết, loại keo nói trên dễ sản xuất, chi phí thấp và tính ứng dụng cao. Hydrogel có thể dùng để vá những lỗ hổng, rò rỉ ở đáy tàu thuyền, kết dính cát để bảo vệ môi trường biển, dính các khối bêtông xây dựng dưới biển hoặc trục vớt vật thể từ đáy biển lên trên.

9. Chế thành công da người nhân tạo

Các nhà khoa học Singapore mới đây tuyên bố đã phát triển được công nghệ giúp in ra mẩu da người có kích cỡ bằng móng tay cái chỉ trong vòng chưa đầy một phút. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong việc thử nghiệm mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải trên động vật trong tương lai.

Sản phẩm được làm từ các tế bào da của người hiến tặng và collagen nên có tính chất hóa học và sinh học giống như da người. Nhóm nghiên cứu hiện đang tập trung vào việc phát triển mẫu da có sắc tố giống với tế bào da của người châu Á để kiểm tra tác dụng làm trắng của các mỹ phẩm.

10. Bào chế thành công viên nang Insulina

Lần đầu tiên trên thế giới, công ty Oramed Dược phẩm của Israel đã bào chế thành công viên nang insulin để điều trị bệnh tiểu đường thể 2, một cách điều trị dễ dàng hơn so với tiêm insulin thông thường.

Viên thuốc có tên ORMD-0801 đã được thử nghiệm trên 269 bệnh nhân cho kết quả khá quan trong việc kiểm soát nồng độ đường trong máu. Đặc biệt, đến hiện nay, thuốc không hề gây tác dụng phụ hay tăng cân cho bệnh nhân.

Theo Khampha.vn

 

Số lượt xem:2387

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


550204 Tổng số người truy cập: 1077 Số người online:
TNC Phát triển: