banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Tìm ra phương pháp biến nhựa thành axit, có thể phát điện
15-12-2019

Công trình của các nhà khoa học Singapore được kỳ vọng sẽ là giải pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện tại theo hướng thân thiện môi trường.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore cho biết họ đã chuyển nhựa thành axit fomic, có thể dùng để phát điện trong nhà máy điện, bằng cách sử dụng một chất xúc tác vừa không tốn kém, vừa không gây hại cho môi trường.

PGS Soo Han Sen, người đứng đầu dự án nghiên cứu kéo dài hai năm ở NTU, cho biết: “Chúng tôi đã có thể biến nhựa, vốn đang đầu độc các đại dương, thành chất hóa học có ích”.

PGS Soo Han Sen (giữa) và nhóm nghiên cứu Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Ảnh: NTU

Ông này cũng cho hay, sở dĩ phần lớn các loại nhựa hiện nay khó xử lý là do trong cấu tạo hóa học chứa loại liên kết carbon-carbon cực bền và chỉ bị phá hủy ở nhiệt độ rất cao hay có sự tham gia của các loại kim loại nặng. Công nghệ mới của nhóm nghiên cứu sẽ giải quyết được điểm nghẽn này.

Trước tiên, các mẩu nhựa khó phân hủy sẽ được xử lý bước 1 trong dung dịch đun nóng, ở khoảng 85 độ C.

Tiếp đến, chất xúc tác dạng bột đặc biệt chứa vanadium và nhôm sẽ được cho vào dung dịch. Xúc tác có thể hòa tan trong dung dịch chứa những loại nhựa khó phân hủy như polyethylene. Dưới sự hỗ trợ của ánh sáng mặt trời, xúc tác góp phần phá vỡ liên kết carbon-carbon trong thời gian chỉ khoảng 6 ngày.

Nhựa được cho vào hóa chất tạo thành một dung dịch có thể phân hủy dưới ánh sáng Mặt Trời nhân tạo. Ảnh: AFP.

Kết quả, polyethylene được biến thành axit formic - loại hóa chất có thể dùng trong các loại pin nhiên liệu, giúp tạo ra năng lượng điện.

“Chúng tôi hy vọng đây sẽ quá trình hoàn toàn bền vững, trung tính về carbon tức lượng carbon phát thải cân bằng với lượng carbon loại bỏ khỏi khí quyển”, ông Soo Han Sen cho biết. Ông cũng khẳng định đây là phương pháp đầu tiên có thể phá vỡ hoàn toàn cấu trúc của những loại nhựa không phân hủy như polyethylene mà không phải sử dụng các kim loại nặng như platinum, palladium hay ruthenium…

Những phương pháp tái chế nhựa hiện nay thường sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nguồn thải khí gây hiệu ứng nhà kính, để làm nhựa tan chảy.

Tuy nhiên, giải pháp trên mới chỉ chuyển hóa được một lượng nhựa nhỏ thành axit fomic và vẫn cần thêm sức người, tiền của để phát triển giải pháp này. Tới nay, các nhà khoa học mới chỉ thí nghiệm trên nhựa nguyên chất, và chưa thử nghiệm với rác thải nhựa. Nhưng từ thành công bước đầu trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu trên quy mô công nghiệp và mục tiêu là thay đổi tình trạng rác thải nhựa nhức nhối hiện nay.

Theo Khampha.vn
 
Số lượt xem:4520

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


549829 Tổng số người truy cập: 267 Số người online:
TNC Phát triển: