banner
Thứ 3, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Chuyển giao công nghệ: Không phải cái gì cũng nhận
13-3-2019

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới thì việc nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là rất quan trọng.

Tuy nhiên, hiện việc tận dụng tiếp nhận chuyển giao công nghệ (CGCN) từ nước ngoài của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, đòi hỏi cần có giải pháp phù hợp.

Những điểm sáng từ chuyển giao công nghệ

Những năm vừa qua, Việt Nam đã chú trọng trong việc tận dụng CGCN từ nước ngoài và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Điển hình như lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã có bước tiến vượt bậc, nhiều công nghệ hiện đại được chuyển giao và ứng dụng thành công, như: Mạng viễn thông số hóa, mạng cáp quang, công nghệ CDMA, đặc biệt là mạng 4G. Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đạt nhiều thành tựu và tiến bộ trong vận dụng CNTT hiện đại từ CGCN nước ngoài kết hợp với tự nghiên cứu và phát triển công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Dự kiến trong năm nay, Viettel sẽ triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam.

Ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam mới đây đã có bước tiến mới, đó là chế tạo và phóng thành công lên quỹ đạo vệ tinh MicroDragon (khối lượng khoảng 50kg). Vệ tinh này được phát triển bởi 36 kỹ sư thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, dưới sự đào tạo, hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản. Hoặc trong lĩnh vực hàng không, ngày 6-12-2018, Nhà máy Hanwha Aero Engines của Hàn Quốc đã được khánh thành tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là nhà máy đầu tiên sản xuất động cơ máy bay tại Việt Nam, có vốn đầu tư 200 triệu USD. Hiện có hơn 40 kỹ thuật viên của công ty mẹ tại Hàn Quốc có mặt tại nhà máy, đào tạo cho khoảng 200 kỹ thuật viên Việt Nam để thực hiện mục tiêu trở thành cơ sở cung cấp động cơ hàng không toàn cầu, xuất khẩu cấu kiện động cơ hàng không đạt tiêu chuẩn tốt nhất đi khắp thế giới. Đây chính là những hình thức CGCN từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho Việt Nam, giúp chúng ta bước đầu làm chủ công nghệ vệ tinh và hàng không.

Ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, dưới tác động mạnh mẽ của KH&CN, đối với các quốc gia có trình độ KH&CN chưa phát triển như Việt Nam cần phải đặc biệt coi trọng việc tiếp thu thành tựu KH&CN của thế giới. Đó cũng chính là bí quyết thành công của các nước trên thế giới và trong khu vực, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Còn lúng túng trong tiếp thu công nghệ

Bên cạnh những điểm tích cực thì thực tế ở Việt Nam hiện nay phần lớn doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, chưa sẵn sàng tự lực tiếp thu công nghệ mới. Theo thống kê của Bộ KH&CN, hiện cả nước có hơn 600.000 doanh nghiệp (DN), trong đó hơn 90% là DN nhỏ và vừa, phần lớn đều sử dụng công nghệ lạc hậu ở mức trung bình của thế giới. Kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong DN thuộc dự án FIRST-NASATI do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia thực hiện mới đây cho thấy, hơn 85% DN Việt Nam tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới hay nâng cấp công nghệ hiện tại, trong khi hoạt động CGCN từ nước ngoài và các tổ chức KH&CN đến DN lại rất thấp (khoảng 1%).

Hệ thống dây chuyền công nghệ cao được vận hành tự động tại nhà máy Hanwha Aero Engines

Theo các chuyên gia, DN nhỏ và vừa có hạn chế là không mạnh về tài chính, nhân lực và thông tin để thay đổi công nghệ sản xuất. Vì vậy, những DN này thường chỉ tập trung tự mày mò nghiên cứu công nghệ. Đây được xem là giải pháp chưa đem lại nhiều hiệu quả. Có những trường hợp DN bỏ chi phí ra để nghiên cứu công nghệ mới, khi đưa vào áp dụng thì công nghệ này đã được các nước tiên tiến áp dụng từ lâu. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ông Nguyễn Hữu Xuyên cho rằng, hiện nay Việt Nam đang đi theo hướng nhập khẩu và CGCN qua hình thức các dự án FDI. Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Mặt khác, vấn đề CGCN từ nước ngoài cũng đặt ra nhiều thách thức đối với chúng ta, nếu không biết lựa chọn, giám định thì có thể tiếp nhận công nghệ lạc hậu, công nghệ không phù hợp với nhu cầu của đất nước, tiêu hao nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường.

Cần có chiến lược về chuyển giao công nghệ nhất quán

Ông Nguyễn Đình Minh, Tổng thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, kiến nghị: Việt Nam cần đánh giá trình độ công nghệ trong nước và nhu cầu nhập khẩu công nghệ để có danh mục nhập khẩu và CGCN phù hợp; tập trung mua bản quyền công nghệ để sớm xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng chiến lược nhập khẩu và CGCN nhất quán, đồng bộ với việc đổi mới cơ bản và toàn diện về cơ chế trong tình hình hiện nay.

Để đổi mới công nghệ đạt hiệu quả cao trong các DN, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, DN phải xác định được định hướng phát triển, nếu không có định hướng phát triển rõ ràng, chỉ tập trung khai thác các cơ hội trước mắt hoặc duy trì quy mô hiện có về thiết bị, công nghệ, lao động... sẽ dễ dẫn tới giảm thị phần và từng bước bị đẩy lùi về phía sau. Bên cạnh đó, DN cần cập nhật thường xuyên thông tin về công nghệ, nhất là những thành tựu mới nhất về công nghệ sản xuất, quản trị, kinh doanh trên thế giới. Đồng thời, DN cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để thích ứng với các công nghệ mới.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’’. Mục tiêu của đề án này nhằm định hướng chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Các sản phẩm cấu kiện của động cơ máy bay được sản xuất tại nhà máy Hanwha Aero Engines

 Trong đó, đề án sẽ thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ tổ chức, DN chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; tạo lập thị trường ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, đặc biệt là các chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước tạo ra đạt tiêu chuẩn kỹ thuật so với nước ngoài trong các dự án đầu tư; hỗ trợ tổ chức, DN tìm kiếm thông tin công nghệ, tư vấn, CGCN, đào tạo nguồn nhân lực làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia... Với những chính sách đó sẽ kích thích DN đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và tạo đà cho quá trình CGCN tại Việt Nam đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân

 

Số lượt xem:1917

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum





de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


557690 Tổng số người truy cập: 37 Số người online:
TNC Phát triển: