Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản; theo nghĩa rộng, còn bao gồm cả lâm nghiệp,thủy sản.
Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; trong đó ưu tiên nghiên cứu lựa chọn, ứng dụng các giống cây trồng vật nuôi mới, các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Kon tum đã triển khai thực hiện một số đề tài, dự án cấp tỉnh tập trung giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn sản xuất và đời sống như giống mới, quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân nông thôn, miền núi.
Nhóm cây dược liệu:
Đã triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, chọn tạo một số giống cây dược liệu mới phù hợp với từng vùng sinh thái để chuyển giao, ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và thu hút đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh như: Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử, sa nhân, mật nhân, ba kích, thạch tùng răng cưa, Lan kim tuyến, giảo cổ lam, các loại nấm dược liệu như Đông trùng hạ thảo, linh chi,.. nhằm tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất bào chế các loại thuốc để phòng, chữa bệnh, bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho con người.
Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ đã tiếp nhận các quy trình công nghệ nhân giống In vitro và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu, hoa lan và các giống cây lương thực, thực phẩm khác đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.
Cây công nghiệp, cây lương thực.
Triển khai trồng thử nghiệm 05 giống cà phê chè trên địa bàn vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Kon Tum, kết quả đã xác định 02 giống cà phê chè TN2 và F5TN1 (năng suất tăng từ 1,5-2 tấn/ ha cà phê nhân/ha so với cà phê Catimor được trồng trước đây); triển khai ứng dụng giống cà phê TR4, TR5, TR9, TR10 trong tái canh và cải tạo vườn cà phê, cho năng suất tăng từ 1-1,5tấn/ha so với các giống cũ. Các giống mía mới nhập nội như được trồng trình diễn: K95-156, KK3, K88-92, K2000-89 cho năng suất đạt bình quân 95-110 tấn/ha.
Đã triển khai trồng các giống sắn mới và ứng dụng biện pháp thâm canh để tăng năng suất, chất lượng nguyên liệu sắn : KM 140, KM 419, KM98-7, SM2075-18 trên địa bàn các huyện, thành phố, kết quả năng suất tăng khoảng 30% so với các giống cũ. Các giống lúa chất lượng cao như RVT, HT9, nàng hoa 9,...các giống Ngô chịu hạn, Ngô nếp cũng được triển khai.
Kết quả hiện nay đã được các huyện, thành phố triển khai ứng dụng triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: khâu tự động điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, hệ thống tưới tiết kiệm, máy gieo hạt... nhân giống bằng phương pháp giâm hom, nuôi cấy mô... mang lại hiệu quả cao tại huyện Kon Plong, Thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà; ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý phụ phẩm hữu cơ làm phân bón, cải tạo đất, sử dụng trong canh tác cây trồng.
Thủy sản nước ngọt:
Chuyển giao thành công các mô hình nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như: cá lăng nha đuôi đỏ, cá thát lát cườm, điêu hồng…tại các lòng hồ chứa thủy điện thuộc huyện Sa Thầy, huyện IaH’Drai , huyện Đăk hà; triển khai nghiên cứu xác định các điều kiện nuôi cá nước lạnh được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kon Plông đầu tư; Chuyển giao công nghệ ương, ấp giống cá Tầm Siberi trên địa bàn huyện Kon Plong phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi cá Tầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và một số địa phương khác, qua đó, đã tiếp nhận, làm chủ các kỹ thuật và quy trình ương ấp cá Tầm giống.
Để ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả thì cần phải tiếp tục huy động sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh; tích cực thông tin về chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước để các doanh nghiệp, cá nhân và đơn vị có thể tiếp cận thuận lợi nhất, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp toàn diện. Ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ là đòn bẩy vững chắc để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản của địa phương.
Hoàng Dũng