Tỉnh Kon Tum có diện tích đất nông nghiệp là 874.614,57 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 265.835,15 ha. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông.
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30-6-2016, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2903/KH-UBND ngày 27/10/2017, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đề ra một số giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện.
Sở Khoa học và Công nghệ đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.
Nông nghiệp 4.0 là xu thế phát triển tất yếu của rất nhiều quốc gia trên thế giới, là một quy trình khép kín bằng công nghệ cao, trong qúa trình thực hiện cần rất ít đến sự tác động trực tiếp của con người như tự động hóa từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; sản xuất giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu; canh tác chính xác, giảm hao hụt, tổn thất trong sản xuất; ứng dụng truy xuất nguồn gốc. Áp dụng các phương thức quản lý, kinh doanh mới vào nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ như: biện pháp thâm canh tổng hợp, bán tự động hóa, cơ giới hóa các khâu sản xuất; công nghệ nhà kính, nhà lưới thông minh; công nghệ tưới tiết kiệm nước, tưới tự động, tự động hóa trong bón phân, dùng kỹ thuật GPS trong kiểm soát sâu bệnh; hệ thống thủy canh; công nghệ giá thể (ứng dụng trong các loại rau, hoa và cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả).
Các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô hom để sản xuất một số giống cây trồng (chuối, dâu tây, dâu tằm, các loại lan rừng và các loại lan nhập ngoại...), các loại giống dược liệu (Sâm dây, lan Kim tuyến, đương quy...) tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen và Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ. Qua đó đã cung cấp được một phần nguồn giống có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: khâu tự động điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, hệ thống tưới tiết kiệm, máy gieo hạt,..; nhân giống bằng phương pháp giâm hom, nuôi cấy mô,... mang lại hiệu quả cao tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông, thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà; triển khai các mô hình trình diễn ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý phụ phẩm hữu cơ làm phân bón, cải tạo đất, sử dụng trong canh tác cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; ứng dụng công nghệ vi sinh làm giá thể hữu cơ; các mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao đã được các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai nhân rộng.
Trong chế biến, bảo quản: Ứng dụng thiết bị sấy cà phê quả tươi quy mô hộ gia đình trên địa bàn một số xã thuộc huyện Đăk Glei; sản xuất cà phê chất lượng cao bằng công nghệ lên men tại huyện Đăk Hà…
Tại huyện Kon Plông đang triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn của tỉnh.
Để phát triển bền vững nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp 4.0, cần các giải pháp sau:
-Triển khai thực hiện tốt chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với địa phương, doanh nghiệp với các trường đại học và doanh nghiệp với các startup khởi nghiệp, từ đó hình thành nên một hệ sinh thái phát triển bền vững. Thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo, ươm tạo nông nghiệp công nghệ cao trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực.
-Chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đối với đội ngũ lao động nông nghiệp hiện hành để có thể đáp ứng được yêu cầu áp dụng các thành quả của nông nghiệp 4.0 hoặc chuyển sang làm các ngành nghề khác.
-Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới đầu tư công và dịch vụ công theo hướng chuyển nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào đất đai và lao động rẻ sang nền nông nghiệp đổi mới và sáng tạo để vừa đón đầu và nắm bắt được các thành tựu của nền nông nghiệp 4.0, phát huy được các tác động tích cực của nông nghiệp 4.0 vừa điều chỉnh để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của sự thay đổi này.
-Ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 ở các nơi có điều kiện, những vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống chưa đủ điều kiện áp dụng công nghệ cao thì tiếp tục duy trì và có sự đầu tư hợp lý của nhà nước. Cần lựa chọn các công nghệ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của từng địa bàn cụ thể để đầu tư gắn với thị trường.
-Tiếp tục hỗ trợ và cung cấp tín dụng cho nông dân, các doanh nghiệp, trang trại trong phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi nông sản thực phẩm. Phát triển thị trường đất đai, nhất là đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho nông nghiệp hàng hóa phát triển, khắc phục tình trạng manh mún như hiện nay.
Hoàng Dũng