banner
Thứ 6, ngày 17 tháng 1 năm 2025
Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
1-10-2019

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, những năm qua, tỉnh ta triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với sự thay đổi của thời tiết. Trong đó, việc tiến hành cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ an toàn và bền vững... là những bước đi cụ thể đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, trước tác động của thiên tai, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta chịu nhiều tác động tiêu cực, thiệt hại lớn. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, hạn hán gây ảnh hưởng khoảng 4.500ha cây trồng, làm thiệt hại trên 190 tỷ đồng; mưa lũ cuốn trôi và làm hư hại trên 1.800ha cây trồng, ước tính thiệt hại trên 100 tỷ đồng… Biến đổi khí hậu tạo ra những hiện tượng cực đoan của thời tiết khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ảnh hưởng do thiên tai gây ra đối với ngành Nông nghiệp ngày càng khốc liệt, nặng nề, tỉnh ta đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đưa sản xuất nông nghiệp phát triển thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Theo đó, ngành Nông nghiệp hướng dẫn các địa phương thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất bằng các việc làm cụ thể như tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng các loại giống cây trồng có khả năng thích nghi với sự biến đối khí hậu như giống chịu lạnh, chịu hạn.

Trồng mì trên đất lúa thiếu nước là giải pháp giúp nông dân tránh hạn ở Sa Thầy


Để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển thích ứng với sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình thử nghiệm về nông nghiệp hữu cơ.Để ứng phó với tình trạng hạn hán, thời gian qua, các địa phương xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất lúa thường xuyên bị thiếu nước như mô hình thâm canh bắp lai, trồng khoai lang Nhật Bản; xây dựng và thực hiện Đề án chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng cây hàng năm trong vụ đông- xuân. Kết quả cho thấy, việc thực hiện chuyển đổi đã giúp nông dân tránh được hạn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa. Chẳng hạn như diện tích chuyển đổi sang trồng mì cho năng suất bình quân 23 tạ/ha, lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/ha, diện tích chuyển đổi sang trồng bắp cho năng suất bình quân 40 tạ/ha, lợi nhuận từ 15- 20 triệu đồng/ha.

Trên cơ sở đó, các địa phương triển khai nhân rộng và khuyến khích người dân tham gia sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Kết quả bước đầu đã có Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hương Đất tổ chức sản xuất được 1,8ha rau các loại theo tiêu chuẩn hữu cơ với sản lượng 102 tấn/năm và đang tiếp tục triển khai mở rộng tại huyện Kon Plông; Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phầnVinEco đang đầu tư xây dựng dự án phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô 551,23ha; dự án xây dựng vùng sản xuất rau hữu cơ cho Nico Nico Yasai đang triển khai thực hiện sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản với quy mô 1ha tại Măng Đen (huyện Kon Plông)…

Nhằm nâng cao giá trị cây trồng, hướng đến sản xuất bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, từ năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Dự án đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 1.500ha cà phê theo hướng phát triển bền vững trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plông. Với sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, đến nay, có khoảng 60-70% hộ dân triển khai thực hiện trồng cây che bóng mát, chắn gió trong vườn cà phê; đa số các hộ đã áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm trong vườn cà phê. Nhiều hộ sản xuất còn tiến hành phân tích dinh dưỡng để bón phân theo nhu cầu và theo độ phì nhiêu của đất để tiết kiệm chi phí bón phân từ 8 - 10%, phân tích mật độ tuyến trùng và thường xuyên kiểm tra vườn cà phê để phát hiện sớm dịch hại...

Thời gian qua, nhiều nông dân huyện Đăk Hà đã thực hiện chuyển đổi sang trồng cà phê theo hướng bền vững

Không chỉ trong sản xuất rau, cây công nghiệp, trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh triển khai sản xuất bền vững bằng việc nâng cao giá trị rừng trồng thông qua hoạt động quản lý rừng bền vững tiến đến cấp chứng chỉ rừng. Thời gian qua, tỉnh tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần nguyên liệu giấy miền Nam xây dựng phương án quản lý rừng trồng bền vững với quy mô 7.344,2ha và đã được cấp chứng chỉ…

Xác định phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi là hướng đi cần thiết, trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục đa dạng hóa các giải pháp để tăng hiệu quả sử dụng đất đai, nâng cao giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích canh tác, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ sản phẩm, thu hút các nhà đầu tư liên kết với người sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống có chất lượng; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia như tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, việc thực hiện các giải pháp phát triển phù hợp, tranh thủ tiến bộ khoa học công nghệ mới là cách làm thiết thực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Những thành công ban đầu là tiền đề và động lực để tỉnh ta tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Nguồn: Báo Kon Tum

Số lượt xem:2245

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


658689 Tổng số người truy cập: 571 Số người online:
TNC Phát triển: