Ngày 02/10/2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài “Mô hình thử nghiệm nuôi tôm càng xanh (Macrobranchium rosenbergii) trong ao đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Đề tài do Trung tâm cá giống và thức ăn thủy sản Tá Tiến đăng ký chủ trì thực hiện, Thạc sỹ Dương Tuấn Phương đăng ký chủ nhiệm đề tài.
Đồng chí Bùi Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng
Tôm càng xanh (Macrobranchium rosenbergii) là loài tôm nước ngọt có kích thước lớn, phân bố ở vùng Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương, từ tây bắc Ấn Độ đến Philipin, Việt Nam, New Guinea và miền bắc nước Úc. Tôm càng xanh được di nhập và nuôi ở nhiều quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia có nghề nuôi tôm càng xanh phát triển, trên cơ sở giá trị kinh tế khá cao của loài này, với những nghiên cứu về công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm tương đối hoàn thiện và phổ biến rộng rãi. Tôm càng xanh hiện nay được nuôi tương đối rộng rãi ở các tỉnh Nam Bộ, trong khi đó khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum, có tiềm năng rất lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh Kon Tum tương đối thấp do chủ yếu phát triển nuôi các loài cá nuôi truyền thống, giá trị kinh tế thấp. Trong khi đó, tôm càng xanh là một trong những loài đặc sản nước ngọt, giá trị kinh tế cao và có thể phát triển nuôi rộng rãi ở các tỉnh nội đồng như Kon Tum. Do đó, việc tham khảo quy trình nuôi tôm càng xanh tại các địa phương khác và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của tỉnh Kon Tum, nhằm hoàn thiện quy trình nuôi tôm càng xanh phù hợp với điều kiện của tỉnh Kon Tum là cần thiết.
ThS Dương Tuấn Phương giải trình các ý kiến của Hội đồng
Mục tiêu của đề tài là góp phần đa dạng cơ cấu vật nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, khai thác tối đa lợi thế về diện tích ao, hồ và thúc đẩy ngành thủy sản nước ngọt của tỉnh phát triển. Đồng thời bổ sung cơ cấu vật nuôi và phát triển đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản của địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho các cộng đồng làm nghề cá, góp phần giải quyết lao động dư thừa vùng nông thôn và giảm các tệ nạn xã hội. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ hoàn thiện quy trình nuôi tôm càng xanh, một đối tượng giá trị kinh tế cao, thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển, nâng cao sản lượng và thu nhập từ nghề nuôi, giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái thủy sinh trên địa bàn tỉnh.
Đề tài đã được Hội đồng chấm điểm với số điểm 83 và đánh giá Đạt. Dự kiến đề tài sẽ thực hiện trong 24 tháng.
Tin, ảnh: NVL