banner
Thứ 3, ngày 23 tháng 7 năm 2024
Toàn tỉnh đồng loạt ra quân xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị
13-2-2019

Với chủ đề “Xây dựng hạ tầng nông thôn gắn với cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn và đẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao thu nhập người dân”; sáng 12/02, trên khắp các nẻo đường của các thôn, làng, tổ dân phố của 10 huyện, thành phố, Nhân dân đã nô nức đồng loạt ra quân phát động phong trào xây dựng nông thôn mới đầu năm; chỉnh trang đô thị, các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 09/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai các lĩnh vực đột phá năm 2019.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố và xã Vinh Quang tham gia làm đường giao thông tại thôn Kon Hngo Ktu


Mỗi huyện, thành phố chọn một thôn, làng để tổ chức Lễ ra quân điểm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới như: Thành phố Kon Tum với công trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn thôn Kon Hngo Ktu (xã Vinh Quang); huyện Đăk Hà với công trình làm đường giao thông nông thôn thôn Đăk Tin (xã Đăk Ngọk); huyện Đăk Tô với công trình làm đường giao thông nông thôn thôn Đăk Dé (xã Đăk Rơ Nga); huyện Ngọc Hồi với công trình phát dọn, nạo vét kênh mương nội đồng thôn Măng Tôn (xã Bờ Y); huyện Đăk Glei với công trình phát dọn, vệ sinh môi trường và nạo vét kênh mương tại thôn Peng Seil (xã Đăk Pét); huyện Tu Mơ Rông với công trình làm đường đi vào khu sản xuất ở thôn Măng Dương 1, 2 (xã Ngọc Lây); huyện Sa Thầy với các công trình làm đường giao thông thôn Hòa Bình, phát triển sản xuất tại thôn Nghĩa Tân, thu gom rác thải và vệ sinh môi trường tại các thôn trên địa bàn xã Sa Nghĩa; huyện Kon Rẫy với công trình xây dựng đường nội thôn Kon Lung (xã Đăk Tờ Lùng); huyện Kon Plông với công trình làm đường đi khu sản xuất thôn Vi KTàu (xã Pờ Ê); huyện Ia H’Drai với công trình làm đường giao thông nông thôn tại thôn 7 (xã Ia Tơi).
Đúng 8 giờ sáng ngày 12/02, Nhân dân tại các xã, phường trong toàn tỉnh đồng loạt ra quân xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng nông thôn như làm đường giao thông, nạo vét kênh mương...; triển khai các mô hình về phát triển sản xuất, khai hoang, cải tạo đồng ruộng nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất, hưởng ứng Chương trình mỗi xã một sản phẩm; cải tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn như phát dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm hàng rào nhà dân, trồng cây xanh tại các trục đường, đào hố rác, chuồng trại chăn nuôi…

Tính đến nay, toàn tỉnh có 14 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 13 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được cải thiện, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 Trong năm 2018 đã phát triển được một số mô hình sản xuất tiêu biểu như: Mô hình chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối; mô hình sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng; mô hình sản xuất rau sạch; mô hình trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm dưới tán rừng; mô hình phát triển cây dược liệu...

Hình thành một số cánh đồng lớn như: Cánh đồng sản xuất mía công nghệ cao (30 ha) tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum; cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm (32 ha) tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà; cánh đồng trồng ngô lấy thân (30 ha) tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông...

Công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn các xã tiếp tục được giữ vững.

Năm 2019, tỉnh Kon Tum phấn đấu có thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đăk Cấm, Vinh Quang (thành phố Kon Tum) và Đăk Môn (huyện Đăk Glei).

Để đạt được mục tiêu, các giải pháp chủ yếu đã được các cấp, các ngành, địa phương đề ra, đó là tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin, truyền thông tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp Nhân dân về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Tăng cường công tác chỉ đạo từ cấp tỉnh đến các cấp huyện, xã thông qua chương trình công tác của Ban Chỉ đạo các CTMTQG các cấp nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn.

Chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Chú trọng hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tạo sinh kế cho người nghèo. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hiện hành của Trung ương, địa phương về nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG. Chủ động rà soát, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước mắt tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật - công nghệ cao.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi để cải thiện điều kiện sống của người nghèo; giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; dạy nghề và hỗ trợ cho lao động thuộc đối tượng đủ điều kiện xuất khẩu lao động.

Hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Phát triển hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và thôn, làng đặc biệt khó khăn. Tăng cường hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn các xã.

Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện các CTMTQG theo hướng xã hội hóa; Tăng cường  huy  động  nguồn  vốn  từ cộng  đồng  và  doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum

 

Số lượt xem:517

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum



de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


219331 Tổng số người truy cập: 2397 Số người online:
TNC Phát triển: