banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 7 năm 2024
Triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022
29-11-2021

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành Văn bản số 4243/UBND-KGVX ngày 29/11/2021 về việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022.

 

Theo đó, triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương tại Văn bản số 318/TB-VPCP ngày 27 tháng 11 năm 2021; ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19, các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022 tại Văn bản số 9830/BYT-DP ngày 19 tháng 11 năm 2021, Văn bản số 9963/BYT-DP ngày 23 tháng 11 năm 2021 và nội dung cuộc họp ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh với các địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

 

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

 

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tăng cường công tác truyền thông và huy động cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc của các lực lượng từ cơ sở để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Quán triệt phương châm 5K + vắc xin, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác (đông - tây y, phối hợp chặt chẽ người dân với chính quyền, doanh nghiệp…); triển khai các quy định thống nhất, bám sát tình hình thực tế, linh hoạt và có kịch bản đáp ứng phù hợp.

 

Tiếp tục góp ý, bổ sung Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ (Nghị quyết số 128/NQ-CP), Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế (Quyết định số 4800/QĐ-BYT) để từng bước hoàn thiện các biện pháp tiêu chuẩn, quy trình phòng, chống dịch. Tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP; trường hợp có vướng mắc, phát sinh phải báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ý kiến góp ý, bổ sung, vướng mắc, phát sinh gửi về Sở Y tế để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh (nếu có).

 

Hạn chế đề xuất kinh phí mua sắm trang thiết bị không cần thiết để tập trung thực hiện đầu tư y tế cơ sở thôn bản, trạm y tế xã, cơ sở điều trị bệnh nhân nặng... Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và các quy định pháp luật liên quan; quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

 

Công khai minh bạch nguồn huy động từ nhân dân phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, địa phương.

 

2. Sở Y tế

 

Tham khảo các địa phương, nghiên cứu các quy định của Trung ương và tiếp thu các ý kiến tham gia tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 hoàn thiện: (1) Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh; (2) Phương án tổ chức điều trị, cách ly người mắc COVID-19 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà; (3) Hướng dẫn tạm thời cách ly F1 tại nhà đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng và dễ vận dụng. Trên cơ sở Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh được ban hành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh Văn bản số 3929/UBND-KGVX ngày 01 tháng 11 năm 2021 đảm bảo đầy đủ các hoạt động tương ứng với cấp độ dịch.

 

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch, kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi dịch ở cấp độ 4 (khi cần thiết chủ động, kịp thời, nhanh chóng phối hợp đề xuất với cơ quan có thẩm quyền huy động sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế từ Trung ương).

 

Chỉ đạo thực hiện xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi tránh lạm dụng, lãng phí. Phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá xét nghiệm; việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên giám sát đánh giá, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

 

3. Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

 

Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng (SVP), giám sát trọng điểm COVID-19, giám sát dựa vào sự kiện (EBS), giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19; kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

 

Trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ theo Nghị quyết số 128/QĐ-CP, kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch tễ của từng địa phương, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1.

 

Chỉ đạo đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn, cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021, triển khai việc tiêm vắc xin cho trẻ em đảm bảo khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng. Khẩn trương rà soát báo cáo cụ thể nhu cầu vắc xin về số lượng, chủng loại, thời gian… để Bộ Y tế tổng hợp, có kế hoạch phân bổ phù hợp và nếu có vướng mắc báo cáo ngay Ủy ban nhân dân tỉnh để báo Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ.

 

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời; tăng cường và bổ sung nhân lực cho các Trạm Y tế tại các xã, phường, thị trấn khi có số ca mắc COVID-19 tăng cao. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân tại các địa bàn có trường hợp mắc COVID-19, địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

 

Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai báo lấy mã số ca bệnh COVID-19 tự động trên Hệ thống mã số ca bệnh quốc gia về dịch COVID-19 tại địa chỉ website https://macabenh.vncdc.gov.vn; trong đó cung cấp đầy đủ thông tin bệnh nhân bao gồm tiền sử tiêm chủng phòng COVID-19 (tiêm 1 mũi, 2 mũi, chưa tiêm). Thực hiện đúng chế độ về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, phòng chống dịch COVID-19 về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, email: baocaobtn@gmail.com) theo quy định.

 

Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, tiếp tục triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. Giám sát chặt chẽ, xử lý ổ dịch kịp thời, cấp cứu điều trị người mắc bệnh theo đúng Hướng dẫn giám sát, phòng chống và Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết của Bộ Y tế.

 

Đối với các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng, bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

 

4. Sở Thông tin và Truyền thông

 

Tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, thường xuyên hơn nữa công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 với thông điệp “Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng”; mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cụm dân cư, khu dân cư, thôn, xóm... phải quyết tâm phòng, chống dịch, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ với dịch bệnh, phát hiện sớm ca bệnh để ngăn chặn sự lây lan, bùng phát trong cộng đồng của mình; nâng cao ý thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe khi di chuyển qua lại các cấp độ dịch khác nhau, đến/về từ vùng có dịch.

 

Phối hợp triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh.

 

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân để người dân không lo lắng, hoang mang, nâng cao cảnh giác và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Tuyên truyền mạnh mẽ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

 

5. Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ

 

Quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung, đảm bảo các đối tượng cách ly tập trung chấp hành nghiêm nội quy, quy định phòng, chống dịch, không để xảy ra tiếp xúc khác buồng cách ly, lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly tập trung hoặc lây lan ra cộng đồng; tiếp nhận, đón, đưa, bàn giao đối tượng cách ly tập trung đúng quy định; đồng thời định kỳ giám sát xét nghiệm cho cán bộ, phục vụ cơ sở cách ly tập trung phòng, chống lây nhiễm cộng đồng.

 

Kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở.

 

Tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc,…) đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, giám sát và quản lý di biến động dân cư.

 

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt là việc đeo và thay khẩu trang đúng cách ở học sinh); đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ sinh môi trường tại trường học; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

 

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch, thông báo kịp thời cho ngành y tế để phối hợp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.

 

8. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

9. Sở Tài chính: Kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của các đơn vị, địa phương để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

 

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

 

Chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các Trạm Y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở và Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế và Trung ương.

 

Chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cấp cơ sở là nền tảng trong phòng, chống dịch. Chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chưa cao.

 

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các Tổ cộng đồng, các lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh... trong công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị y tế khẩn trương, thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng, kiểm soát ngay các khu vực, trường hợp đang có nguy cơ dịch bệnh lây lan cộng đồng; quản lý nghiêm các đối tượng cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, đặc biệt là những người cùng nhà của các đối tượng này phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, yêu cầu phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, quy định phòng, chống dịch COVID-19.

 

Chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, xác định đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP đảm bảo không bỏ sót, trùng lặp đối tượng.

                                                                                                                                                      LVT

Số lượt xem:1924

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum



de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


208575 Tổng số người truy cập: 1644 Số người online:
TNC Phát triển: