Tiến sĩ người Việt sáng tạo khẩu trang kháng khuẩn sử dụng 30 lần, giới thiệu nền tảng akaChain và nhà chờ xe buýt chống Covid-19 là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
1. Khẩu trang graphene ngăn virus sử dụng được 30 lần
TS Lê Tùng Linh và cộng sự tại công ty Bonbouton (Mỹ) ứng dụng công nghệ in graphene để thiết kế khẩu trang hạn chế sự lây lan của vi khuẩn, virus. Công nghệ lõi graphene của công ty Bonbouton do TS Linh sáng lập đã nhận được 7 bằng sáng chế tại Mỹ với nhiều ứng dụng khác nhau.
Khẩu trang làm bằng graphene giúp kháng bụi và vi khuẩn đến 99%. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.
Khẩu trang có cấu tạo hai lớp, một lớp vải bên ngoài được dệt với các đường may nổi, giúp hạn chế tiếp xúc với da, cho phép luồng không khí lưu thông dễ dàng. Lớp bên trong là miếng lõi lọc graphene có tác dụng không thấm nước, ngăn chặn các giọt nước, lọc được 99% bụi mịn và cản trở sự lây nhiễm vi khuẩn, virus. Cuối tháng 7, sản phẩm đã được cấp phép và lưu hành tại thị trường Việt Nam.
2. Vingroup gia nhập liên minh xác thực trực tuyến thế giới
Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VinCSS (thuộc tập đoàn Vingroup) vừa trở thành một trong những đại diện Việt Nam đầu tiên gia nhập Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới (FIDO Alliance). Đây là tổ chức xác thực bảo mật toàn cầu có hơn 260 thành viên, gồm các hãng công nghệ hàng đầu như Facebook, Google, Microsoft, Twitter, Amazone, Paypal, RSA, Samsung, VISA,…
VinCSS1 gia nhập Liên minh FIDO đưa Tập đoàn Vingroup ngang hàng với các công ty, tập đoàn công nghệ quốc tế hàng đầu. Ảnh chụp màn hình
Liên minh được thành lập nhằm giải quyết các vấn đề về xác thực đăng nhập, khắc phục tình trạng người sử dụng phải tạo và ghi nhớ nhiều tên người dùng và mật khẩu. FIDO đã góp phần đáng kể trong việc loại trừ các nguy cơ bị tấn công giả mạo, tấn công mạng chiếm tài khoản, giảm các rắc rối cho người dùng cũng như chi phí duy trì hệ thống cho các tổ chức.
3. Phát hiện loài bọ ngựa mới cực lớn ở Việt Nam
Một loài bọ ngựa hoàn toàn mới đã được phát hiện hai vườn quốc gia Kon Chư Răng, (Gia Lai) và Đa Krông (Quảng Trị), được đặt tên theo nhà tự nhiên học David Attenborough. Theo mô tả, loài bọ ngựa này rất lớn và khỏe mạnh, đầu hình tam giác, râu dài và bề mặt lưng nhẵn.
Hình ảnh giải phẫu các bộ phận bên ngoài của loài bọ ngựa Titanodula attenboroughi mới được phát hiện ở Việt Nam. Ảnh: Belgian Journal of Entomology.
Nghiên cứu đã cho phép các nhà khoa học đưa loài bọ ngựa mới phát hiện ở Việt Nam vào một nhóm riêng có tên Titanodula. Tại Việt Nam, loài bọ ngựa mới được tìm thấy ở hai vườn quốc gia Kon Chư Răng thuộc tỉnh Gia Lai và vườn quốc gia Đa Krông của tỉnh Quảng Trị.
4. Ra mắt nền tảng số Make in Vietnam - akaChain
Ngày 13/8, Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu nền tảng công nghệ chuỗi khối akaChain, một trong số những nền tảng chuyển đổi số 'make in Vietnam' do Tập đoàn FPT phát triển. Nền tảng giúp các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề tối ưu vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Lễ ra mắt akaChain. Ảnh: Ảnh: VGP/Hiền Minh
AkaChain hiện đã được nhiều khách hàng trong nhiều ngành nghề và nhiều quốc gia đưa vào sử dụng. Một số công ty bán lẻ, phân phối sản phẩm công nghệ hàng đầu Việt Nam cho biết ứng dụng của akaChain giúp giảm tỷ lệ nợ xấu của công ty từ 14% xuống 7%.
5. Nhà chờ xe buýt thông minh chống Covid-19 ở Hàn Quốc
Hàn Quốc lắp đặt nhà chờ xe buýt với cảm biến kiểm tra thân nhiệt và buồng khử khuẩn bằng tia cực tím. Để vào được bên trong nhà chờ, hành khách phải đứng trước một camera ảnh nhiệt tự động và cửa chỉ mở khi thân nhiệt của họ dưới 37,5 độ C.
Bên trong nhà chờ xe buýt chống Covid-19 ở Seoul. Ảnh: AFP
Bên trong lắp hệ thống điều hòa với đèn khử khuẩn bằng tia cực tím để diệt virus và làm mát không khí. Một máy cung cấp nước rửa tay và hành khách được yêu cầu đeo khẩu trang, đứng cách nhau ít nhất 1 m. 10 nhà chờ xe buýt công nghệ cao đã được lắp đặt ở quận phía đông bắc Seoul, bảo vệ hành khách trước thời tiết bất lợi cũng như Covid-19.
6. Gạch thông minh có thể lưu trữ điện
Nhóm các nhà khoa học Đại học Washington (Mỹ) biến gạch thành siêu tụ điện, có thể sạc nhằm cung cấp cho các thiết bị điện. Cụ thể, sau khi phủ một lớp nhựa đặc biệt gọi là PEDOT, gạch nung thành vật lưu trữ năng lượng và hoạt động như chất bán dẫn. Nối hai viên gạch đã biến đổi với nhau có thể tạo ra thiết bị trữ điện.
Các nhà nghiên cứu sử dụng gạch thông minh để thắp sáng bóng đèn LED. Ảnh: Phys.org.
Công nghệ này có tiềm năng biến đổi những bức tường trong nhà thành thiết bị trữ điện hữu dụng. Lúc này, nhóm nghiên cứu đang tập trung tạo ra những viên gạch đủ khả năng lưu trữ nhiều năng lượng hơn để công nghệ trở nên khả thi về mặt thương mại.
7. Loài cây hiếm tái xuất sau hơn 100 năm
Các nhà thực vật học tại Tổ chức Thực vật Quý hiếm Somerset (Anh) phát hiện Baldellia ranunculoides, loài cây thủy sinh thuộc họ Trạch tả, mọc dưới một mương nước gần con đường gỗ cổ xưa mang tên Sweet Track ở Somerset. Lần gần nhất giới chuyên gia bắt gặp loài cây này ở Somerset là năm 1914.
Cây Baldellia ranunculoides xuất hiện lại ở Somerset sau hơn một thế kỷ. Ảnh: BBC
“Đây là dấu hiệu cho thấy những gì cơ quan Thiên nhiên Anh đang làm ở mương nước này đã phát huy hiệu quả. Mương nước cũng là nơi sinh sống của 6 loài thực vật hiếm khác do chất lượng nước tốt,” Stephen Parker, đại diện của tổ chức cho biết. Tổ chức phối hợp cùng nhiều cơ quan lập bản đồ nơi sinh trưởng của những loài cây hiếm để bảo vệ chúng. Vị trí cụ thể của mương nước gần Sweet Track được giữ bí mật.
8. Robot siêu nhỏ có thể thu gom chất bẩn trong nước
Các chuyên gia Đại học Công nghệ Eindhoven (Hà Lan) phát triển thành công robot dài 1cm, có khả năng thu gom chất gây ô nhiễm trong nước lấy cảm hứng từ san hô. Về cơ chế hoạt động, robot sử dụng từ trường để chuyển động, trong khi các xúc tu được kích hoạt bởi ánh sáng. Khi mục tiêu nằm trong tầm với, ánh sáng tia cực tím (UV) sẽ được sử dụng để kích hoạt các xúc tu làm từ polymer tinh thể lỏng quang hoạt.
Robot tí hon lấy cảm hứng từ san hô. Ảnh: Innovation Toronto.
Các nhà khoa học còn có thể giải phóng mục tiêu bằng cách chiếu ánh sáng xanh. Bên cạnh khả năng làm sạch nguồn nước, các nhà khoa học cho biết mẫu robot mềm của họ cũng có tiềm năng ứng dụng trong y tế, như hỗ trợ thiết bị chẩn đoán bằng cách bắt giữ và vận chuyển các tế bào cụ thể để phân tích.
9. Thiên hà giống Ngân Hà cách 12 tỷ năm ánh sáng
Các nhà thiên văn học sử dụng kính viễn vọng ALMA (Chile) và tìm ra thiên hà cách Trái Đất hơn 12 tỷ năm ánh sáng, vì vậy hình ảnh chúng ta nhìn thấy là thiên hà này khi vũ trụ mới 1,4 tỷ năm tuổi. Thiên hà mang tên SPT0418-47 có hai đặc điểm giống dải Ngân Hà, bao gồm cấu trúc dạng đĩa xoay tròn và cụm sao lớn bao quanh trung tâm thiên hà.
Thiên hà cổ xưa SPT0418-47. Ảnh: ALMA.
Cụm sao này chưa bao giờ được quan sát ở vũ trụ thuở sơ khai. Trong suốt những năm đầu đầy biến động của vụ trụ, nhiều khả năng các thiên hà chưa ổn định do thiếu đi cấu trúc gắn liền với thiên hà ngày nay như dải Ngân Hà. Nhưng ảnh chụp thiên hà mới phát hiện khiến giả thuyết trên lung lay và có thể làm thay đổi hiểu biết của giới thiên văn học về quá trình hình thành thiên hà ở thời kỳ sơ khai của vũ trụ.
10. Lần đầu tiên phát hiện ra hành tinh màu hồng
NASA vừa phát hiện ra hành tinh màu hồng cách địa cầu khoảng 57 năm ánh sáng. Hành tinh GJ 504b xoay quanh một ngôi sao có tên GJ 504. Ngôi sao GJ 504, thuộc chòm sao Thất Nữ, to tương đương và nặng gấp 4 lần so với sao Mộc, nóng hơn mặt trời một chút.
GJ 504b cùng ngôi sao GJ 504 ở phía xa. Ảnh: NASA.
Được hình thành cách đây khoảng 160 triệu năm, GJ 504b vẫn còn khá nóng và ánh sáng do nhiệt độ của nó chính là thứ tạo ra màu hồng kì lạ bao quanh. Theo NASA, hành tinh khí khổng lồ này có khối lượng thấp nhất từng được phát hiện, quay quanh một ngôi sao giống như Mặt trời của chúng ta.
Link liên kết: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-tuan-qua-khau-trang-graphene-diet-virus-nha-cho-xe-buyt-chong-covid-19-c7a770914.html