banner
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024
KHCN tuần qua: Mũ ngăn Covid-19 của học sinh Việt vào top 10 sáng tạo quốc tế
7-9-2020

Cũng trong tuần qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã công bố báo cáo ghi nhận Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng cao về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu.

1. VN giữ thứ hạng cao về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cho thấy Việt Nam duy trì được thứ hạng cao, xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019 là 42/129). Với thứ hạng này Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp của Việt Nam tăng 10 bậc (trong ảnh là sinh viên nghiên cứu khoa học tại Đại học Phenikaa). Ảnh: HM/VnE.

So với năm 2019, chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số Số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc. Trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo Việt Nam tiếp tục tăng 1 bậc.

2. Thu hồi kim loại hiếm antimon trong quặng thải

PGS. TS Đào Ngọc Nhiệm, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cộng sự đưa kỹ thuật mới để tách chiết, thu hồi 99,9% antimon trong quặng. Antimon là kim loại màu hiếm, làm nguyên liệu sản xuất vòng bi, trục máy, phụ tùng ôtô trong công nghiệp, chiếm từ 10-12% khối lượng của các sườn điện cực ắc quy.

Thiết bị thu hồi antimon. Ảnh: NVCC.

Việc tìm ra phương pháp mới giúp tận thu được antimon từ các quặng thải và quặng nghèo, tăng hiệu suất thu hồi trong nước. "Chi phí của quy trình công nghệ này chỉ bằng 1/3 so với quy trình nhập ngoại, nhưng vẫn cho hiệu suất thu hồi tương đương. Quy trình không sử dụng hóa chất độc hại, khép kín và an toàn môi trường", ông Nhiệm nói.

3. Nuôi rễ cây ké hoa đào tạo hoạt chất trị tiểu đường type 2

Tiểu đường là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Ngoài thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý, các nhà nghiên cứu tìm ra cách ức chế quá trình phân hủy thức ăn thành đường để giảm thiểu sự tăng cao đường huyết thông qua việc ức chế enzym α-glucosidase trong ruột.

Tạo rễ tơ ké hoa đào trong điều kiện thủy canh. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.

Nhận thấy ké hoa đào là một vị thuốc được dùng trong dân gian có tác dụng này, PGS.TS Quách Ngô Diễm Phương và các đồng nghiệp ở Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM thực hiện đề tài nghiên cứu “Nuôi cấy rễ tơ cây ké hoa đào nhằm thu nhận nguyên liệu sản xuất hoạt chất điều trị tiểu đường tuýp 2”, được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu đầu năm 2020.

4. Học sinh Việt giành cú đúp huy chương vàng tại 2 cuộc thi quốc tế

Hai nhóm học sinh Vinschool đại diện Việt Nam tham dự giải Olympic Phát minh và sáng chế thế giới (10th World Invention Creativity Olympic - WICO 2020) tại Hàn Quốc cùng cuộc thi nghiên cứu khoa học The Elementz Science Project Competition & Exhibition tại Singapore, xuất sắc mang về 3 giải vàng, 1 giải bạc.

Tại phòng thí nghiệm của Viện Hóa sinh biển - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, tiến sĩ Lê Nguyễn Thành hướng dẫn nhóm Tử Minh thực hiện dự án về keo ong dú. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.

Lần đầu tham dự Olympic Phát minh và sáng chế thế giới, dự án nghiên cứu về “Thành phần hóa học và hoạt chất kháng khuẩn của keo ong dú và dự án nghiên cứu giống năng suất cao của đông trùng hạ thảo” ẵm trọn 2 giải vàng. Còn tại The Elementz Science Project Competition & Exhibition, dự án nghiên cứu về "Ứng dụng IOT đo công suất pin mặt trời tự động hướng sáng, phân tích và gửi dữ liệu thống kê về ứng dụng điện thoại" đã xuất sắc giành huy chương vàng.

5. Mũ ngăn Covid-19 của học sinh Việt vào top 10 sáng tạo quốc tế

Mũ bảo hộ Vihelm ngăn Covid-19 do Đỗ Trọng Minh Đức (lớp 11 trường Montverde Academy, Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An (lớp 8 Trường Song Ngữ Quốc tế Hanoi Academy) phát triển, đã lọt vào top 10 Giải thưởng Đổi mới sáng tạo quốc tế iCAN 2020.

Khánh An và Minh Đức giới thiệu chiếc mũ Vihelm với ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch vườn ươm tài năng trẻ YDLI. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.

Đây là cuộc thi do Mỹ và Canada đồng tổ chức, năm nay thu hút được hơn 600 sáng chế từ 60 quốc gia. Các giải chính do ban giám khảo đa quốc gia chấm gồm giải vô địch, á quân, top 10, top 20, giải phụ nữ, giải trẻ, giải thiết kế công nghệ, giải trình bày. Vihelm được hội đồng giải thưởng lựa chọn trao giải top 10 về thiết kế công nghệ.

6. Công bố giải ASEAN-Mỹ cho nhà khoa học nữ 2020

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN (COSTI) cùng Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Phòng thí nghiệm Underwriters vừa công bố Giải thưởng Khoa học ASEAN-Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ năm 2020 với chủ đề chăm sóc sức khỏe dự phòng.

Tiến sĩ Chan Yoke Fun người Malaysia. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Malaysia

Giải nhất kèm phần thưởng trị giá 20.000 USD đã thuộc về Tiến sĩ người Malaysia Chan Yoke Fun, Trưởng Bộ môn Vi sinh y học thuộc Khoa Y Trường Đại học Malaysia. Bà đã tập trung nghiên cứu phát triển một loại vaccine chống lại virus gây bệnh tay chân miệng và các bệnh viêm não ở trẻ em; đồng thời cộng tác với các chuyên gia địa phương nhằm nâng cao nhận thức.

7. Máy bay hình viên đạn tốc độ 740 km/h

Được phát triển bởi công ty Otto Aviation ở California, Mỹ, Celera 500L là mẫu máy bay 6 chỗ thuộc dòng tiết kiệm nhiên liệu. Celera 500L có thể bay ở tốc độ hành trình tối đa 740 km/h với tầm hoạt động hơn 7.242 km, gấp đôi những máy bay khác cùng kích thước.

Celera 500L hướng tới phân khúc máy bay cá nhân. Ảnh: CNN.

Trang bị động cơ RED A03, Celera sẽ được bán ra thị trường vào năm 2025. Với mỗi lít dầu, Celera có thể bay 4,8 - 6,8 km. Mức tiêu thụ nhiên liệu này biến Celera thành chiếc máy bay thân thiện với môi trường nhất trong phân khúc, góp phần phát triển hệ thống vận chuyển hàng không không thải khí.

8. Robot siêu nhỏ đầu tiên di chuyển bằng công nghệ laser

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Cornell, Mỹ chế tạo thành công một mẫu robot kích cỡ micromet có thể sử dụng tín hiệu điện tử để di chuyển. Robot mới có kích thước chỉ tương đương một con trùng đế giày với chiều dài từ 40 đến 70 µm, rộng 40 µm và dày 5 µm.

Thiết kế của mẫu robot tí hon mới chuyển động bằng công nghệ laser. Ảnh: Đại học Cornell.

Nó bao gồm một mạch điện đơn giản được làm từ các tấm quang điện silicon, đóng vai trò như thân và não, cùng bốn thiết bị truyền động điện hóa hoạt động như chân. Các nhà nghiên cứu điều khiển robot bằng cách phát các xung laser nhấp nháy ở các tấm quang điện khác nhau, trong đó mỗi tấm tích điện cho một thiết bị truyền động riêng biệt.

9. Phát hiện vườn ươm cá đuối khổng lồ ngoài khơi Florida

Trong một cuộc thám hiểm tại bờ biển Juno ở Florida để tìm kiếm dấu vết của các loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng, nhà sinh vật học Jessica Pate tình cờ bắt gặp một "bóng đen khổng lồ" di chuyển qua vùng nước nông. Quan sát kỹ hơn, cô đã bị sốc khi nhận ra đó là một con cá nạng hải hay Manta, chi cá đuối lớn nhất còn tồn tại.

Một con cá Manta chưa trưởng thành xuất hiện ở ngoài khơi South Florida. Ảnh: National Geographic.

Pate cho biết đã từng bơi cùng những sinh vật khổng lồ này ở Hawaii và Indonesia nhưng chưa bao giờ thấy chúng ở vùng ven biển South Florida đông người. Bị thu hút bởi cuộc gặp gỡ bất ngờ, nhà sinh vật học đã dành hơn ba năm, từ năm 2016 đến 2019, để khảo sát khu vực và phát hiện tổng cộng 59 con cá đuối Manta.

10. Ảnh chụp cận cảnh vết đen Mặt Trời

GREGOR, một trong những kính viễn vọng quan sát Mặt Trời mạnh nhất thế giới vừa được nâng cấp, có thể quan sát những cấu trúc chỉ rộng 50 km trên bề mặt Mặt Trời. Sau khi nâng cấp, kính viễn vọng tại Tây Ban Nha này cũng chụp những bức ảnh Mặt Trời có độ phân giải cao hàng đầu châu Âu.

Vết đen Mặt Trời trong ảnh chụp độ phân giải cao hôm 30/7. Ảnh: Science Alert.

Các nhà khoa học quan tâm đến vết đen vì chúng có thể đứt gãy, rối tung và nối lại. Sự nối lại từ trường dẫn đến việc giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ, gây ra các lóa Mặt Trời và những vụ phun trào nhật hoa (CME). Hiện tượng này có thể gây gián đoạn sự định hướng và liên lạc của vệ tinh trên Trái Đất.

Link liên kết: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-tuan-qua-hoc-sinh-viet-gianh-cu-dup-hcv-tai-2-cuoc-thi-quoc-te-c7a772130.html

 

Số lượt xem:3461

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


622152 Tổng số người truy cập: 2091 Số người online:
TNC Phát triển: