Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Để triển khai sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, ngày 11 tháng 10 năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 2640/KH-UBND về việc triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới dịch vụ của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019-2025.
Mục tiêu đề ra là bảo đảm đến năm 2025, toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi để hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (tương thích với công nghệ IPv6); Đưa IPv6 vào kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ cho việc phát triển chính phủ điện tử, thành phố thông minh của tỉnh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng và đi đúng xu hướng công nghệ toàn cầu. Trong đó:
* Giai đoạn 1 - Chuẩn bị (2019-2020): Hoàn thành việc phổ biến, nâng cao nhận thức, yêu cầu chuyển đổi IPv6 cho toàn bộ cán bộ, nhân viên quản lý, vận hành khai thác hệ thống công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành; Hoàn thành việc đào tạo, tập huấn IPv6 từ cơ bản đến nâng cao để chuẩn bị nhân sự triển khai chuyển đổi có hiệu quả; Hoàn thành cơ bản việc đánh giá và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về kiến thức, hạ tầng kỹ thuật và nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi sang IPv6 trên địa bàn toàn tỉnh; Hoàn thành việc đăng ký địa chỉ IPv6/IPv4, số hiệu mạng ASN độc lập và Quy hoạch, phân bổ sử dụng địa chỉ cho hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh.
* Giai đoạn 2 - Kết nối, thử nghiệm (2021): Hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho một số đơn vị được lựa chọn thử nghiệm và đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện giai đoạn chuyển đổi chính thức.
* Giai đoạn 3 - Chuyển đổi chính thức trên toàn tỉnh (2022-2025): Mạng lưới của các tổ chức, doanh nghiệp, mạng chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước chính thức sử dụng và cung cấp dịch vụ với IPv6.
Các nội dung triển khai cụ thể như sau:
Đối với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể; UBND cấp huyện, cấp xã: Khi đầu tư, mua sắm các thiết bị mới có kết nối internet phải đảm bảo các thiết bị này có hỗ trợ công nghệ IPv6; Đối với các hợp đồng thuê ngoài dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin (dịch vụ kết nối internet, lưu trữ Website, email,…) phải đưa yêu cầu hỗ trợ IPv6 vào trong hợp đồng; Bổ sung các hạng mục về IPv6 vào trong các đề án ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương; Rà soát nâng cấp hoặc trang bị mới các thiết bị đầu cuối như: tường lửa, switch, bộ phát Wifi, máy tính, máy in, máy photo có kết nối mạng,...bảo đảm các thiết bị phải tương thích với IPv6, chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi IPv6; Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuẩn bị phục vụ tốt cho công tác chuyển đổi IPv6 tại đơn vị, địa phương mình.
Công tác chuẩn bị triển khai chuyển đổi Ipv6 bao gồm: Đào tạo, truyền thông về triển khai chuyển đổi IPv6; Rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới, dịch vụ (Thiết bị, phần mềm; Hạ tầng, hệ thống DNS…); Đăng ký địa chỉ IPv6, IPv4, số hiệu mạng ASN độc lập.
Triển khai kết nối, thử nghiệm chuyển đổi IPv6 tại một số đơn vị (sau khi rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới, dịch vụ thực hiện xong sẽ đề xuất các đơn vị được kết nối thử nghiệm). Phạm vi thử nghiệm ứng dụng, dịch vụ: Thử nghiệm ứng dụng IPv6 cho phân mạng kết nối Internet, dịch vụ DNS và Website quy mô nhỏ; Thử nghiệm với các hệ thống mạng LAN và Wifi kết nối Internet sử dụng IPv6. Sau đó tiến hành đánh giá kết quả kết nối, thử nghiệm và triển khai chuyển đổi IPv6 chính thức cho toàn tỉnh./.
Hồng Vân