banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 5 năm 2024
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SẢN XUẤT THÔNG MINH
6-4-2022

“Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hoá, hiện đại hoá hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh” là một trong những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Kon Tum theo Kế hoạch số 436/KH-UBND ngày 03/02/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

 

Để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sản xuất thông minh, bài viết sau đây sẽ giới thiệu đôi nét về sản xuất thông minh và các lợi ích của nó đối với doanh nghiệp trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Sản xuất thông minh (smart manufacturing) là sự kết nối các máy móc, thiết bị, các công đoạn sản xuất và các bộ phận sản xuất bằng công nghệ số thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết các vấn đề tại công xưởng sản xuất, đối ứng nhanh, linh hoạt với những yêu cầu mới từ thị trường.

 

Sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp sản xuất theo quy trình, tăng độ chính xác, dễ dàng kiểm soát dữ liệu dựa trên hệ thống máy móc điều khiển. Nguyên tắc sản xuất tinh gọn được kết hợp với các thiết bị sản xuất tự động để quá trình sản xuất hiệu quả hơn, đạt năng suất cao hơn. Đây được xem là xu thế trong tương lai.

 

Sản xuất thông minh bao gồm sự phát triển thông minh của hệ thống quản lý, điều hành được số hóa trên 3 nội dung:

 

1. Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) tích hợp thông tin trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất từ giai đoạn ý tưởng thiết kế - phát triển sản phẩm (ideation), qua thực hiện sản xuất (realization) cho tới giai đoạn sử dụng (utilization) bao gồm các dịch vụ hỗ trợ đối với sản phẩm và máy móc – nhà xưởng.

 

2. Quản lý hoạt động sản xuất (MOM) số hóa quá trình hoạt động sản xuất từ việc thu thập dữ liệu sản xuất phát sinh, tối ưu hóa kế hoạch và lịch trình sản xuất, đến bảo đảm chất lượng sản xuất và cung cấp thông tin minh bạch cho quản lý điều hành.

 

3. Tự động hóa (AUTOMATION) hay điều khiển tự động bằng các công nghệ làm giảm sự can thiệp của con người vào các quy trình sản xuất, thông qua việc xác định trước các tiêu chí quyết định, các mối quan hệ của quy trình phụ và các hành động liên quan (thể hiện những xác định trước đó trong phần mềm quản lý máy móc).

 

Lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng sản xuất thông minh

 

- Loại bỏ lãng phí

 

Việc thiết lập và lập trình thiết bị đúng cách sẽ giúp loại bỏ việc phải làm lại sản phẩm, giảm thiểu lượng phế liệu được tạo ra. Những công nhân vận hành có tay nghề cao nhất cũng không thể đạt được hiệu quả như tự động hóa trên bất kỳ quy trình thông thường nào.

 

Các máy móc tự động được thiết kế để thực hiện nhiều thao tác cùng một lúc, do đó không cần phải di chuyển vật liệu sau mỗi giai đoạn sản xuất, các sản phẩm hoàn chỉnh có thể gửi trực tiếp đến nơi lưu trữ mà không cần sự can thiệp của con người.

 

- Hỗ trợ công tác quản lý

 

Kết nối thiết bị, máy móc trong nhà máy với hệ thống quản lý sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho việc báo cáo tình trạng sản xuất. IoT (Internet vạn vật) cho phép con người tập trung hơn vào công việc sản xuất nhờ loại bỏ việc báo cáo các hoạt động không cần thiết.

 

- Kiểm soát chi phí

 

Sản xuất thông minh giúp thực hiện các công việc tương tự với ít nhân công và ít máy móc thiết bị hơn. Một cách dễ dàng để tăng tự động hóa trong công nghệ sản xuất thông minh đó là thông qua robot và các máy móc tự động khác được thiết kế để hoạt động phối hợp cùng với con người. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho robot vừa thấp mà mang lại hiệu quả nhanh.

 

- An toàn cho công nhân

 

Thực hiện tự động hóa trong sản xuất thông minh đảm bảo an toàn hơn cho người lao động vì con người không cần hoặc rất ít phải tác động trực tiếp trong sản xuất. Hệ thống sẽ tự động nhập, lưu trữ, xử lý và truy xuất dữ liệu tự động và cần rất ít sự can thiệp trực tiếp của con người.

 

- Tối ưu hóa năng suất

 

Việc nhân viên lao động nghỉ việc có tác động lớn đến năng suất lao động. Nhưng với tự động hóa việc nhân viên vắng mặt tạm thời hoặc nghỉ trong thời gian dài vẫn có thể đảm bảo quy trình làm việc, hoạt động sản xuất ổn định. Do vậy, hoạt động sản xuất sẽ ít phụ thuộc hơn vào người lao động, giúp tối đa hóa năng suất sản xuất.

 

- Hợp lý hóa quy trình sản xuất

 

Sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp sản xuất theo quy trình, tăng độ chính xác, dễ dàng kiểm soát dữ liệu dựa trên hệ thống máy móc điều khiển. Thực hiện các nguyên tắc sản xuất tinh gọn kết hợp với các thiết bị sản xuất tự động để quá trình sản xuất hiệu quả, năng suất cao hơn.

 

 (Xưởng sản xuất của Công ty cổ phần nước giải khát Ngọc Linh

– Địa chỉ: xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum)

 

Các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum nếu có nhu cầu “hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hoá, hiện đại hoá hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh”, đề nghị liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum (qua Phòng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà B, Khu Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum (Phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Điện thoại: 02603.862.518 để được hướng dẫn.

Hồng Vân

Số lượt xem:9957

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum

de tai khoa hoc cap tinh







Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


73849 Tổng số người truy cập: 2674 Số người online:
TNC Phát triển: