Cây Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu núi rừng Ngọc Linh, được Đoàn điều tra Dược liệu của Ban dân y khu 5 phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985, hai nhà khoa học ( TS.Hà Thị Dụng và TS. Grushvitsky) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv.
Được xác định là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 660 ha sâm Ngọc Linh tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông. Diện tích này chủ yếu của các doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum va Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) với khoảng 630 ha, còn lại là của người dân trồng phân tán khoảng 30 ha.
Ngày 30 tháng 7 năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2465/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Theo đó, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 ban hành kèm theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT ngày 16/8/2016 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ.
Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.