banner
Thứ 4, ngày 22 tháng 1 năm 2025
Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp
17-8-2021

Đảm bảo đo lường được hiểu là tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện tăng cường, đổi mới kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra; phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra; lượng của hàng đóng gói sẵn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.

 

Để giúp doanh nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, ngày 17/3/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”

 

Đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam (viết tắt là doanh nghiệp) hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổ chức cung cấp dịch vụ về đo lường, thử nghiệm; Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan.

 

Cấu trúc chung của Chương trình đảm bảo đo lường gồm:

 

- Tên Chương trình đảm bảo đo lường

 

 

Tên Chương trình đảm bảo đo lường thường gắn với tên doanh nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình. Ví dụ: Chương trình đảm bảo đo lường tại Công ty Điện lực A)

 

- Thời gian thực hiện Chương trình

 

 

Thời gian thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường được xác định cho một giai đoạn (ít nhất là 01 năm) để bảo đảm thực hiện được mục tiêu của Chương trình. Thời gian thực hiện có thể được thể hiện cùng với tên Chương trình.

 

Ví dụ: Chương trình đảm bảo đo lường tại Công ty xăng dầu ... giai đoạn đến năm 2025)

 

- Mục tiêu của Chương trình

 

 

1. Mục tiêu chung: Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường tại (tên doanh nghiệp) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

 

2. Mục tiêu cụ thể

 

a) Chỉ tiêu định lượng về tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ.

 

b) Mức độ tăng cường kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, thử nghiệm, kiểm tra; phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra; lượng của hàng đóng gói sẵn; kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

 

c) Mức độ tăng cường kiểm soát phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

d) Mức độ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hóa toàn cầu.

 

3. Tùy thuộc vào thực tế và nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của mình, doanh nghiệp lựa chọn mục tiêu cụ thể tại khoản 2 Điều này để xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường.

 

- Các nhiệm vụ chính của Chương trình.

 

1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản triển khai thực hiện đảm bảo đo lường đang áp dụng

 

a) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đo lường có liên quan.

 

b) Rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy trình đo lường do doanh nghiệp ban hành, áp dụng (như quy trình thực hiện phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra, điều chỉnh các thông số chính của quá trình công nghệ từ công đoạn cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm; quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, phương tiện thử nghiệm, thiết bị kiểm tra; quy trình kiểm soát lượng của hàng đóng gói sẵn ...).

 

c) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tài liệu định mức kỹ thuật về đo lường.

 

d) Rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy chế, nội quy liên quan.

 

2. Rà soát, tăng cường thực hiện đảm bảo đo lường

 

a) Rà soát, loại bỏ, tăng cường các chuẩn đo lường, chất chuẩn, phương tiện đo, thử nghiệm, kiểm tra và các trang thiết bị cần thiết khác.

 

b) Rà soát, loại bỏ, tăng cường các công việc: thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; thực hiện phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra; kiểm soát lượng của hàng đóng gói sẵn.

 

3. Ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến, đổi mới tăng cường đảm bảo đo lường theo định hướng phát triển của sản xuất, kinh doanh

 

a) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến.

 

b) Sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản triển khai thực hiện đảm bảo đo lường tương ứng với việc triển khai ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến.

 

c) Trang bị mới, tăng cường chuẩn đo lường, phương tiện đo, thử nghiệm, kiểm tra và các trang thiết bị, công cụ cần thiết khác để thực hiện các quy trình đo lường mới.

 

d) Triển khai thực hiện đảm bảo đo lường theo các văn bản mới.

 

4. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và quản lý về đo lường cho nhân viên quản lý, nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp.

 

5. Xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các đơn vị, bộ phận sản xuất, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa.

 

6. Tùy thuộc mục tiêu lựa chọn tại khoản 3 Điều 7 Hướng dẫn này, thực tế và nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của mình, doanh nghiệp lựa chọn các nhiệm vụ phù hợp tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này để xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường.

 

7. Lập kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.

 

- Giải pháp thực hiện.

 

1. Giải pháp về tổ chức quản lý

 

a) Thiết lập và phân công, phân nhiệm cụ thể đến từng đơn vị, bộ phận, cá nhân chủ trì, tham gia thực hiện Chương trình.

 

b) Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn.

 

c) Lồng ghép ban hành và tổ chức thực hiện quy chế về khen thưởng tập thể, cá nhân hoàn thành tốt; về xử lý đối với tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao...

 

2. Tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước hoặc nước ngoài

 

a) Tăng cường hợp tác, liên kết trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình.

 

b) Hợp tác, liên kết nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về đo lường tiên tiến.

 

c) Hợp tác, liên kết khai thác, sử dụng các phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra, các trang thiết bị, công cụ khác theo quy định để thực hiện nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo đo lường.

 

3. Tuyên truyền, phổ biến

 

a) Tuyên truyền, phổ biến trong doanh nghiệp, trên phương tiện thông tin đại chúng về việc triển khai và kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường.

 

b) Tham gia diễn đàn đo lường doanh nghiệp Việt Nam thường niên, hội nghị khoa học kỹ thuật đo lường toàn quốc định kỳ 5 năm và các hội nghị, hội thảo liên quan chia sẻ, học tập kinh nghiệm triển khai Chương trình đảm bảo đo lường.

 

4. Tăng cường thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa sản phẩm

 

a) Tham gia các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, Chương trình xúc tiến thương mại...

 

b) Tăng cường xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường.

 

5. Tùy thuộc mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình và thực tế sản xuất, kinh doanh của mình, doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp phù hợp tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này để xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường.

 

- Kinh phí thực hiện Chương trình.

 

Kinh phí thực hiện Chương trình: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để thực hiện.

 

- Tổ chức thực hiện

 

Phân công nhiệm vụ cho các bộ phận/tổ chức/cá nhân trong đơn vị, cách thức thực hiện để hoàn thành các nội dung, mục tiêu của kế hoạch.

 

Tùy thuộc vào các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện và thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà cấu trúc của Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp có thể gồm một phần hoặc toàn bộ các nội dung nói trên.

 

Biểu mẫu đính kèm Tại đây

 

Hồng Vân

Số lượt xem:2223

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


668461 Tổng số người truy cập: 833 Số người online:
TNC Phát triển: