banner
Thứ 7, ngày 28 tháng 12 năm 2024
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum
8-11-2022

Ngày 5/11/2022, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do đồng chí Huỳnh Thành Đạt – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Trưởng đoàn, đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Thường trực làm Phó đoàn cùng 10 đồng chí là đại diện các Vụ, Trung tâm, các chuyên gia của Bộ đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum về mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Hoà – Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp KHCN; Công ty TNHH Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum; huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô.

Quang cảnh buổi làm việc

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng Sâm Ngọc Linh là 1.263,3 ha. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 213,6 tấn. Số lượng cây đã cho thu hoạch quả khoảng 5,745 triệu cây với số lượng khoảng 8,618 triệu hạt/năm và đưa vào ươm gây giống được khoảng 6,205 triệu cây giống/năm, với nguồn giống hiện có hàng năm và tình hình thực tế tại địa phương đảm bảo phát triển tăng mạnh diện tích Sâm Ngọc Linh cho các năm tiếp theo. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 03 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu cây giống dược liệu trên địa bàn. Các doanh nghiệp của tỉnh đã xây dựng vườn ươm cây giống để đáp ứng nhu cầu phát triển diện tích sâm Ngọc Linh theo mục tiêu đã đề ra.

 

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sản xuất một số sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như: rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, nước yến sâm, mật ong sâm SK5; thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 Night Wolf (Sói đêm); nước giải khát dưỡng da NoLiKo ...; các sản phẩm Trà Sâm ngọc linh hòa tan, Collagen sâm ngọc linh, viên nang mềm sinh lý Sâm Ngọc Linh, Rượu Sâm Ngọc Linh, Cà phê Sâm Ngọc Linh, Mật ong Sâm Ngọc Linh, Dầu gió Tinh nhân sâm ; các sản phẩm: củ tươi, mật ong sâm, trà túi lọc…  

 

Tuy nhiên, việc phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn như khả năng đầu tư của doanh nghiệp, người dân còn khó khăn; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực KH&CN, trình độ công nghệ còn hạn chế,... do đó việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh nhất là lĩnh vực chuyển giao, đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ trong các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN còn gặp nhiều khó khăn. Hơn 50% diện tích có khả năng phát triển Sâm Ngọc Linh được quy hoạch trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, trong khi đó Luật Lâm nghiệp 2017 không cho phép tác động vào rừng đặc dụng nên chưa thể đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác dưới tán rừng gắn với công tác bảo tồn trên diện tích này. Công tác quản lý giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng gặp nhiều khó khăn vì Sâm Ngọc Linh chưa được công nhận là cây trồng chính/cây lâm nghiệp chính; chưa có phương pháp, quy trình giám định xác định giống Sâm Ngọc Linh so với các loài cây khác trong cùng chi Panax. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm có hình thái rất giống sâm Ngọc Linh nên rất khó khăn trong việc quản lý thương hiệu Sâm Ngọc Linh.

 

Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu, định hướng phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2025, diện tích khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); đến năm 2030 khoảng 10.000 ha (100 triệu cây); đến năm 2045 trồng Sâm Ngọc Linh trên toàn bộ diện tích có khả năng trồng Sâm Ngọc Linh trong vùng chỉ dẫn địa lý. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm Sâm Ngọc Linh làm thuốc điều trị bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh.  Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đạt chuẩn GMP-WHO như: Thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm,… Trong đó ưu tiên tập trung phát triển nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến tại các vùng trồng sâm tập trung. Đầu tư, nâng cấp 05 vườn giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo cung ứng giống theo nhu cầu của thị trường; Hình thành được 01 Trung tâm kiểm nghiệm kiểm định quốc gia về Sâm Ngọc Linh tại Kon Tum.

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia (được phê duyệt tại Quyết định số 4025/QĐ- BKHCN, ngày 28/12/2018) và dự án đầu tư: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh” để triển khai ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất; phối hợp, hỗ trợ địa phương trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Hướng dẫn quy trình để kiểm soát, kiểm định sâm Ngọc Linh vì thị trường sâm thật, sâm giả rất khó kiểm soát; Đề nghị công bố các đè tài, dự án liên quan đến các phương pháp sản xuất và nhân giống sâm Ngọc Linh theo hướng công nghiệp, các đề tài liên quan đến phòng, chống dịch bệnh trên cây sâm Ngọc Linh vì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn (ít nhất 3 tỷ/ha) để địa phương ứng dụng, chuyển giao cho các đơn vị, địa phương trên đại bàn tỉnh; xem xét phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sâm Ngọc Linh; Tiêu chuẩn quốc gia về phân tích kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh. 

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương cũng như các đơn vị của Bộ KH&CN trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ để phát triển cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum. Trong thời gian tới, đồng chí mong muốn tỉnh quan tâm hơn nữa hơn nữa đến việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào trong thực tiễn nhất là vào cây sâm Ngọc Linh để góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ KH&CN kết luận buổi làm việc

 

Đồng chí đề nghị các Vụ, Cục, đơn vị của Bộ tiếp tục nghiên cứu để phát triển thương hiệu Sâm Việt Nam, đưa vào danh sách Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng chí cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Kon Tum khi muốn mở rộng đất để phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Hiện nay, Bộ đang rà soát các dự án, đề án bị vướng mắc về Luật, Nghị định để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đồng chí giao các đơn vị trực thuộc nghiên cứu kỹ thuật trồng, kiểm định chất lượng sâm, làm sao để người dân được sớm tiếp cận với nguồn giống sâm Ngọc Linh; Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia để kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng; tập trung triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Kon Tum phát triển sâm Ngọc Linh xứng với vị trí là cây sâm quý của quốc gia.

Nguyễn Hồng Phong

Số lượt xem:607

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


630546 Tổng số người truy cập: 1519 Số người online:
TNC Phát triển: