banner
Thứ 4, ngày 17 tháng 7 năm 2024
UBND tỉnh yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue.
10-10-2022

Ngày 6/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Văn bản số 3331/UBND-KGVX về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD).

 

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Văn bản số 3387-CV/VPCP ngày 23 tháng 9 năm 2022 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 661 ca mắc SXHD, không có ca tử vong; tăng 104 ca so với cùng kỳ năm 2021. Trước tình hình đó, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXHD trên địa bàn tỉnh, kiên quyết không để dịch lan rộng, bùng phát trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

 

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương

 

 

Tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của ngành Y tế. Thực hiện nghiêm nhiệm vụ huy động cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống dịch, mỗi tuần dành 10 phút để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để ổ lăng quăng/bọ gậy trong và ngoài cơ quan, nhà.

 

Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương, tích cực, chủ động chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXHD với phương châm “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”, diệt lăng quăng/bọ gậy là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng, chống SXHD bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng động, quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch.

 

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Cùng với việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từ nay đến cuối năm 2022, các địa phương khẩn trương, tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXHD trong thời gian tới:

 

Khẩn trương tổ chức họp, đánh giá lại công tác chỉ đạo, phối hợp, tuyên truyền trong phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, đặc biệt là nghiêm túc kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất, có hiệu lực, hiệu quả các nội dung cam kết vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống SXHD của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; những hạn chế, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác phòng, chống dịch; nhất là các địa phương đã phát sinh nhiều ca bệnh như: huyện Ngọc Hồi, huyện Đắk Hà và thành phố Kon Tum.

 

Tiếp tục tổ chức Chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn và duy trì thực hiện đến hết năm 2022. Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai Chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế.

 

Triển khai nghiêm túc việc xử lý các cá nhân, hộ gia đình không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (theo báo cáo của Sở Y tế, chính quyền địa phương còn cả nể, chưa quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm phòng, chống dịch theo quy định,trong khi dịch bệnh qua các tuần ở một số địa bàn có ghi nhận nhiều ca SXHD).

 

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học thông qua các hoạt động, các buổi sinh hoạt, phổ biến, trao đổi, hướng dẫn, gửi thông điệp đến học sinh để mỗi học sinh là một tuyên truyền viên, góp phần cùng các cấp, các ngành phòng, chống dịch bệnh SXHD trên địa bàn.

 

Hỗ trợ kinh phí (mua hóa chất, công phun hóa chất, công diệt lăng quăng/bọ gậy, công dẫn đường xử lý ổ dịch SXHD…) cho các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế, Tổ công tác cộng đồng để triển khai kịp thời công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh cũng như xử lý ổ dịch tại địa phương.

 

3. Sở Y tế

 

Tổ chức đánh giá, tổng hợp tình hình dịch bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh SXHD, chủ động xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch lan rộng, bùng phát trên địa bàn.

 

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống bệnh SXHD theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống bệnh SXHD trên địa bàn.

 

Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXHD hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch trong vòng 48h nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng ra cộng đồng; tổ chức việc triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các địa phương có yếu tố nguy cơ cao để chủ động ngăn chặn dịch bệnh.

 

Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXHD. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện tại các tuyến.

 

Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng về thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, bảo hộ… để điều trị kịp thời và đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.

 

Hướng dẫn các địa phương thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ công tác tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn phòng, chống dịch.

 

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cấp bổ sung kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bệnh SXHD theo quy định.

 

4. Sở Giáo dục và Đào tạo, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum: Chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh SXHD, đặc biệt là việc huy động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia tích cực vào Chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng.

 

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các biện pháp phòng, chống bệnh SXHD. Chú trọng tuyên truyền vào các giờ cao điểm tình hình dịch bệnh và các biện pháp phát hiện sớm dịch bệnh để người dân tích cực, chủ động phòng, chống và đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị khi vừa có dấu hiệu mắc bệnh.

 

6. Sở Tài chính: Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung kinh phí kịp thời cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXHD theo quy định.

 

7. Công an tỉnh: Xử lý nghiêm những trường hợp đưa thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống dịch bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXHD.

 

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh: Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đơn vị trực thuộcphối hợp với ngành Y tế và chính quyền địa phương, tham gia triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy và các hoạt động phòng, chống bệnh SXHD khác tại gia đình và cộng đồng.

 

9. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Phối hợp chỉ đạo công tác tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh./.

Số lượt xem:134

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum



de tai khoa hoc cap tinh








Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


206242 Tổng số người truy cập: 1839 Số người online:
TNC Phát triển: