banner
Thứ 3, ngày 24 tháng 12 năm 2024
Tình hình triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2023; một số nhiệm vụ giải pháp 6 tháng còn lại.
29-6-2023

Tại Hội nghị lần thứ 12, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đánh giá:  

Về kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 7.731,89 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,8%, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 12.442 tỷ đồng, đạt 46,08% kế hoạch và tăng 17,13% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 1.838 tỷ đồng, đạt 40,8% dự toán và bằng 81% cùng kỳ năm trước. Đã trồng mới các loại cây như: Cây Mắc ca khoảng 549 ha; cây ăn quả khoảng 550 ha; cây dược liệu khác khoảng 682 ha. Đến nay toàn tỉnh có 42 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 19 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tổng giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp, xây dựng (giá hiện hành) 5.379,55 tỷ đồng, đạt 50,46% kế hoạch. Tổng giá trị tăng thêm của ngành Thương mại - Dịch vụ (giá hiện hành) 6.462,87 tỷ đồng, đạt 45,67% kế hoạch. Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 16.998 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch. Ngành du lịch thu hút được 956.000 lượt khách, đạt 73,6% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, đã thu hút 05 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 779,6 tỷ đồng; thành lập mới 145 doanh nghiệp, đạt 40,3% kế hoạch; thành lập mới 30 hợp tác xã, đạt 100% kế hoạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đạt đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021, là thứ hạng cao nhất kể từ năm 2006 đến nay.

Văn hoá-xã hội: Đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 4.000 lao động, đạt 66,7% kế hoạch. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề khoảng 21,9%, đạt 87,6% kế hoạch; đã xóa được 48 phòng học tạm. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,5%, bằng 99,09% kế hoạch. Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số triển khai tích cực. Đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913- 09/02/2023) và các hoạt động trong chuỗi sự kiện.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; kim ngạch xuất nhập khẩu; số hợp tác xã thành lập mới, tổng lượng khách du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, sản lượng ngành công nghiệp chủ yếu, diện tích các cây trồng chủ lực… Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm đầu tư; tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện; công tác an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp về kinh tế chưa đảm bảo theo tiến độ, nhất là công tác quy hoạch, thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công. Vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh chưa được tháo gỡ; Công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn khó khăn; kinh tế tập thể và liên kết trong sản xuất chưa phát huy hiệu quả. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm dần qua các năm, tuy nhiên vẫn còn xảy ra. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra, nhất là khoáng sản làm vật liệu thông thường. Việc xây dựng công trình trái phép, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường một số nơi vẫn còn diễn ra. Tai nạn giao thông tăng cả 03 tiêu chí. Tội phạm về ma túy chưa được kiềm chế, tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới còn diễn biến phức tạp.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong trong 6 tháng cuối năm 2023, các cấp, các ngành phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đơn vị mình trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 02-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023”; kịp thời khắc phục có hiệu quả các hạn chế nêu trên, đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Cập nhật, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, theo dõi chặt chẽ tiến độ nguồn thu, tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách; đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các dự án khai thác quỹ đất, các cơ sở nhà đất để sớm tổ chức đấu giá theo quy định nhằm tạo nguồn thu ngân sách nhà nước. Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023.

Triển khai sản xuất vụ mùa năm 2023 đảm bảo thời vụ; phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu trồng mới một số cây chủ lực của tỉnh. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý dứt điểm không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tập trung mở rộng vùng nguyên liệu mía; khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh. Thực hiện nghiêm túc và quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gắn với triển khai hiệu quả kế hoạch trồng rừng năm 2023; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét đột xuất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp theo quy định.

Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới, xây dựng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn. Phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, nhất là những vùng chuyên canh nông sản, sản xuất hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn.

Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương; xúc tiến kêu gọi đầu tư, trọng tâm là kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến: Gỗ, trái cây, Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp... Đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu duy trì xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định nhằm sớm triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tính động lực, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc thường xuyên kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. Rà soát, cắt giảm các quy trình, thủ tục hành chính không cần thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đập có nguy cơ gây mất an toàn. Thực hiện kiểm tra an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2023. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình thiên tai; chủ động triển khai hiệu quả các phương án ứng phó. Rà soát, củng cố các lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần để tổ chức tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “04 tại chỗ”.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện, triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện. Đẩy mạnh các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, tăng cường chất lượng công tác tiêm chủng. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và thực hiện nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tăng cường các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học 2023 - 2024 và công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai năm học 2023-2024. Đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo nghề theo hướng tăng nội dung thực hành, gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường; phát huy và nâng cao năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực kết nối cung - cầu lao động.

Tiếp tục đầu tư, quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa. Triển khai thực hiện tốt công tác đầu tư, tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch, gắn với phát triển các dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa vào lĩnh vực thể thao. Phối hợp đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh.

Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở đối với dân tộc thiểu số và hộ nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo trợ xã hội; giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực; đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về báo chí...

Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi phát sinh, nhất là những vụ khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường... Tăng cường đối thoại trực tiếp để giải quyết có hiệu quả những phản ánh, kiến nghị của nhân dân phù hợp với quy định của pháp luật, nhất là các điểm nóng tranh chấp, khiếu kiện.

Bùi Thanh Bình

 

Số lượt xem:597

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


623450 Tổng số người truy cập: 1725 Số người online:
TNC Phát triển: