banner
Thứ 5, ngày 9 tháng 5 năm 2024
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI VÀ HOẠT ĐỘNG KẾT NỐI CHUYÊN GIA, TỔ CHỨC HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TẠI TỈNH KON TUM
18-5-2021

Triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số  2763/KH-UBND ngày 21/10/2019 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019 - 2025” và chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối tổ chức cho các tổ chức, cá nhân tham gia các cuộc thi và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh trong vùng.

 

Năm 2019, tỉnh Kon Tum có 01 dự án tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt giải 3 (dự ánsản xuất máy in 3 D giá rẻ của Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum).

 

Trong năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh Đoàn Kon Tum, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum lần thứ I năm 2020. Chương trình Ngày hội gồm các hoạt động như: Trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp, chấm chung khảo Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum năm 2020 và Hội thảo về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương. Kết quả, có 14 sản phẩm/nhóm sản phẩm của 14 dự án tham gia trưng bày tại ngày hội và có 23 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của 50 tác giả/nhóm tác giả tham gia dự thi thuộc các lĩnh vực: chế biến dược liệu 9 dự án; công nghệ sinh học 3 dự án; công nghệ 4.0 3 dự án; sản phẩm đặc sản, truyền thống địa phương 2 dự án; du lịch sinh thái 3 dự án; khác 3 dự án. Có khoảng 1/3 các sản phẩm của các dự án dự thi đã hoàn thiện và được thương mại hóa, đạt sản phẩm OCOP của tỉnh và có chỗ đứng trên thị trường. Một số ý tưởng, sản phẩm mẫu có tiềm năng phát triển nếu được đầu tư. Qua vòng sơ khảo, chọn được 9 ý tưởng, dự án vào vòng chung khảo. Tại cuộc thi chung khảo vào ngày 12/11/2020 có 01 dự án đạt giải nhì; 02 dự án đạt giải ba và 03 dự án đạt giải khuyến khích. Hội thảo về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương gồm 2 chuyên đề: “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương” và “Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Cao đẳngCộng đồng tỉnh Kon Tum”.

 

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác và tài trợ triển khai thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nhân-doanh nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025 với Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF). Nội dung hợp tác, gồm: Xây dựng cộng đồng và các thành tố hệ sinh thái; Nâng cao năng lực của các thành tố hệ sinh thái; Kết nối thương mại và đầu tư; xây dựng Hệ sinh thái phát triển bền vững; Các sản phẩm liên kết, hợp tác để hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái.

 

Nếu lấy năm 2017 là mốc đánh dấu cho sự quan tâm của tỉnh đối với chương trình khởi nghiệp của thanh niên, doanh nghiệp trên địa bàn (theo Thông báo số 65/TB-UBND ngày 11/04/2017 về tổ chức tiếp nhận, xét duyệt dự án, ý tưởng khởi nghiệp) thì đến nay Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum đã thực hiện hơn 3 năm. Thiếu vốn, kiến thức và kinh nghiệm vẫn luôn là những khó khăn lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp. Vì vậy, để góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, từ năm 2017 đến năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức được 4 lớp đào tạo về khởi nghiệp cho 690 học viên (năm 2017 đào tạo 300  học viên; năm 2018 đào tạo 170 học viên; năm 2019 đào tạo 220 học viên) là cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đến hoạt động khởi nghiệp của các sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố trực thuộc UBND tỉnh; đoàn viên, thanh niên thuộc Tỉnh đoàn; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và đại diện các hợp tác xã… Tại các khóa tập huấn này, các chuyên gia, các doanh nghiệp, những người quan tâm đến khởi nghiệp khá cởi mở trong việc chia sẻ những ước mơ, kỳ vọng của họ đối với người khởi nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp thành đạt đã chia sẻ mọi kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển doanh nghiệp và cả những khó khăn, trở ngại có thể xảy ra đối với doanh nghiệp trong bước đầu gây dựng cho những người trẻ, những người mới bắt tay vào khởi nghiệp một cách cởi mở, thoải mái và chân tình. Họ động viên những người trẻ khi gặp khó khăn biết cách vượt qua chướng ngại, biết cách đứng lên… Từ sự ươm mầm của các khóa tập huấn, đến nay, toàn tỉnh có rất nhiều đề án, ý tưởng khởi nghiệp. Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh tổ chức xét duyệt 59 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đăng ký tham dự, trong đó 34 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đã được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ. Trong số này có 19 dự án đang triển khai và các dự án còn lại đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục về đất, cơ sở hạ tầng… Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đã ký hợp đồng hỗ trợ và giải ngân cho 15 dự án với dư nợ 1 tỷ 336,8 triệu đồng. Hầu hết, các dự án, ý tưởng khởi nghiệp được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh tư vấn về dự án và trao Giấy chứng nhận khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho tác giả/nhóm tác giả tiếp cận vay vốn, hồ sơ thủ tục thuê đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp, đào tạo về khởi nghiệp, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký sản phẩm hợp quy, kiểu dáng, sáng chế, bản quyền, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

 

Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp xây dựng Đề án khởi nghiệp cho giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, vai trò của các cơ quan quản lý, yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn quan tâm đến công tác khởi nghiệp, chú ý hỗ trợ các vườn ươm, các khóa khởi nghiệp do tư nhân lập ra về mặt cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, chi phí vận hành… Huy động nguồn lực để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

 

Có thể đánh giá, Kon Tum có nhiều thuận lợi trong việc phát triển hệ sinh thái, cụ thể: Từ những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, ĐMST trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của nhà nước, Tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020 và Kế hoạch hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019-2025. Đồng thời, Kon Tum là một trong những tỉnh có tiềm năng về phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù đó cũng là cơ sở để các tầng lớp nhân dân khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh mới triển khai được 01 năm; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum vẫn còn sơ khai, chưa hoàn chỉnh (hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 Phân hiệu Đại học Đà Nẵng, 01 trường Cao đẳng cộng đồng; 01 tổ chức khoa học và công nghệ công lập có khả năng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ; chưa có cơ sở ươm tạo công nghệ được công nhận; chưa hình thành vườn ươm công nghệ đúng nghĩa; chưa có tổ chức cũng như đội ngũ chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; chưa có nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST...). Hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh còn ít, thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển, khả năng thương mại hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ĐMST còn nhiều hạn chế, do chưa hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn chỉnh. Việc liên kết, kết nối giữa tỉnh với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của Trung ương, khu vực, nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.

 

Trước thực tiễn nêu trên, tỉnh Kon Tum cũng đã và đang nỗ lực kết nối mạng lưới chuyên gia về với tỉnh để phục vụ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Trong khuôn khổ hợp tác với Startup Vietnam Foundation (SVF), tỉnh đã kết nối nhiều chuyên gia trong hoạt động mạng lưới. Cụ thể:

 

- Trong Chương trình đào tạo “Khởi sự, điều hành và quản trị doanh nghiệp tỉnh Kon Tum năm 2020” nhằm nâng cao năng lực cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của địa phương thông qua thiết lập, kết nối hệ thống các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh doanh từ các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, Kon Tum đã kết nối Bà Nguyễn Thu Hà - Giám đốc điều hành Công ty Partnership ounders Vietnam, chuyên gia Đổi mới Sáng tạo - giảng viên chương trình về và chia sẻ 5 chuyên đề Đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý và lãnh đạo. Chương trình đã cung cấp cho học viên kiến thức và công cụ để vận dụng đổi mới sáng tạo vào công việc của bản thân; nhận diện được rào cản và thách thức liên quan đến công tác quản lý và lãnh đạo trong bối cảnh hội nhập, được phân tích dựa trên từng trường hợp thực tế phát sinh tại đơn vị để thực hành ứng dụng đổi mới sáng tạo vào giải quyết vấn đề. Chương trình cũng có sự tham gia của ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), giảng viên của chương trình chia sẻ, chương trình nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt tình với tinh thần kết nối của các cán bộ sở - ngành, giám đốc doanh nghiệp. Chương trình tác động tới các doanh nghiệp, dự án mà học viên đang hỗ trợ bằng việc giúp người cố vấn có được tâm thái và kỹ năng tốt hơn trong quá trình cố vấn. Theo ông Trung, để phát triển tiếp tục các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp đặc biệt là các cố vấn kinh doanh, khởi nghiệp cần có sự vào cuộc của các lãnh đạo tỉnh, các doanh nhân thành đạt tại địa phương và các nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp cùng tham gia trong những khóa đào tạo chuyên sâu tiếp theo, tập trung vào các thế mạnh của địa phương.

 

- Tiếp nối hoạt động trên, Tỉnh Kon Tum đã tổ chức Chương trình “Đào tạo và cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm khởi nghiệp thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Kon Tum” cho Lãnh đạo và quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chủ những đề án, ý tưởng khởi nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định tại tỉnh Kon Tum nhằm huấn luyện về tư duy quản trị, kỹ năng bán hàng và kết nối thương mại. Khóa đào tạo được tổ chức với mục đích cung cấp kiến thức nền tảng về tư duy quản trị, kỹ năng bán hàng và kết nối thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương; Đào tạo giảng viên và chuyên gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Tạo điều kiện kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các cá nhân, các đơn vị tại tỉnh; Sau chương trình tập huấn, mỗi đơn vị, cá nhân có thể chủ động chọn thực hiện hoạt động huấn luyện, tư vấn, hỗ trợ liên quan đến tư duy quản trị, kỹ năng bán hàng và kết nối thương mại tại đơn vị. Trong đó, phải kể đến chuyên gia Hoàng Đức Minh, người sáng lập Wake It Up và cũng là một nhà hoạt động môi trường. Anh là đại diện đầu tiên của thanh niên Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu COP 15 tại Copenhagen, Đan Mạch. Hoàng Đức Minh là một nhà hoạt động xã hội tích cực trong bảy năm qua với các hoạt động sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Action4Future, là hạt nhân nòng cốt trong nhiều chiến dịch thành công như “Tử tế là”, “Bảo vệ Sơn Đoòng”, “6.700 cây xanh”…

 

Kết nối cùng mạng lưới khởi nghiệp ĐMST Quốc gia, Kon Tum đã cử đến TECHFEST Quốc gia những đại diện về khởi nghiệp thành công của tỉnh. Đầu tiên phải kể Anh Đỗ Doãn Linh - Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc HTX, anh kể: Năm nay 30 tuổi, Linh đã có nhiều năm trong “nghề” thu mua mủ cao su của các hộ nông dân để nhập cho các cơ sở chế biến mủ nước  trên địa bàn tỉnh. Nhà ở thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn; song trong quá trình làm công việc này, anh đã  gặp và có mối quan hệ thân thiết với một số anh em thu mua mủ cao su tại địa bàn huyện Đăk Hà. Trong đó, có Phạm Văn Tùng người cùng xã Hà Mòn, Lương Xuân Thủy ở thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk, Phạm Văn Hòa ở thị trấn Đăk Hà. Công việc thu gom và vận chuyển mủ cao su nước vất vả, song thu nhập tương đối ổn định, nên trước đây, mọi người bằng lòng theo đuổi. Tuy vậy, trước thực tế làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả không cao; lại cùng chung suy nghĩ hướng tới cách làm liên kết để khai thác thế mạnh tại địa bàn huyện Đăk Hà có vùng nguyên liệu hơn 7.000 ha cây cao su, các bạn trẻ đã đồng lòng hợp tác để cùng phát triển. Chung ý tưởng, song ban đầu gặp không ít khó khăn trong khâu tổ chức nên nhóm trưởng Đỗ Doãn Linh cùng các bạn đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của Huyện Đoàn Đăk Hà. Trực tiếp là Phó Bí thư Huyện Đoàn Trần Thị Yến hỗ trợ lập hồ sơ thủ tục thành lập hợp tác xã, xây dựng kế hoạch đầu tư, phương án sản xuất- kinh doanh cũng như đăng ký ý tưởng, hưởng ứng phong trào khởi nghiệp. Dự án đầu tư cơ sở chế biến mủ cao su tại xã Hà Mòn của nhóm tác giả Trần Thị Yến, Đỗ Doãn Linh, Phạm Văn Hòa đã đạt giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2017 do Tỉnh đoàn Kon Tum phát động. Được thành lập vào tháng 7/2017, vốn liếng ban đầu của HTX NN&TM Ngọc Phát là 2,2 tỷ đồng và hai chiếc xe bán tải, tải trọng mỗi chiếc 1,4 tấn do 4 thành viên sáng lập đóng góp. Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Huyện đoàn, các bạn trẻ còn gặp thuận lợi cơ bản khi được lãnh đạo UBND huyện nhiệt tình ủng hộ. Diện tích 2.400m2 đất xa khu dân cư và gần khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông thuộc địa bàn thôn Hải Nguyên, xã Hà Mòn đã được giao cho HTX sử dụng, thuận tiện cho việc xây dựng cơ sở chế biến mủ cao su. Bên cạnh đó, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ  tích cực của Công ty TNHH Kim Chi (tỉnh Bình Phước), quá trình đầu tư  hạ tầng và lắp đặt máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất diễn ra khá suôn sẻ. Được khởi công vào tháng 8/2017, đến đầu tháng 5/2018, cơ sở chế biến mủ cao su của HTX cơ bản hoàn thành 90% khối lượng xây lắp, đảm bảo các điều kiện để đưa vào hoạt động vào giữa tháng 5/2018. Cơ sở được đầu tư hơn 3 tỷ đồng, trong đó, các hạng mục chính gồm bể chứa mủ nước, mương đánh đông, lò sấy, hệ thống máy móc (như máy cán mủ tờ, máy cán mủ tạp, máy cưa lạng, máy ép kiện...) khoảng 2,5 tỷ đồng. Sản phẩm chính là mủ tờ xông khói được Công ty TNHH Kim Chi ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ trong ba năm theo giá thị trường giúp HTX ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hợp tác xã do anh Linh đứng đầu là “Ngôi nhà chung” được nhóm bạn trẻ ở huyện Đăk Hà gây dựng và gửi gắm mong muốn, quyết tâm khởi nghiệp để lập thân, tạo dựng cuộc sống phát triển bền vững./.

Theo Thông tin KH&CN số 1.2021

Số lượt xem:1649

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum

de tai khoa hoc cap tinh







Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


72373 Tổng số người truy cập: 636 Số người online:
TNC Phát triển: