banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến và mức hỗ trợ cho doanh nghiệp tỉnh Kon Tum áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
6-10-2021

An toàn vệ sinh thực phẩm được hiểu là giữ cho thực phẩm luôn sạch và đảm bảo vệ sinh cho người sử dụng. Những thực phẩm đảm bảo vệ sinh cần được kiểm nghiệm và trải qua quá trình công bố sản phẩm nghiêm ngặt. Để thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thì việc áp dụng một hoặc tích hợp cùng lúc các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhằm đánh giá mức độ an toàn cho sản phẩm thực phẩm là rất cần thiết.

 

Để cạnh tranh trên thị trường thực phẩm, hiện nay, các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh ở trong và ngoài nước áp dụng 1 hoặc kết hợp 1 vài tiêu chuẩn trong số các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm sau:

 

Tiêu chuẩn ISO 22000:2018

 

Là tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Giấy chứng nhận ISO 22000 được chấp nhận và có giá trị trên toàn thế giới.

 

ISO 22000:2018 là tiêu chuẩn mới nhất hiện nay, được xây dựng dựa trên nền tảng nguyên lý của 2 tiêu chuẩn sau:

 

HACCP – Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn

 

ISO 9001:2015 – Hệ thống quản lý chất lượng

 

Đây là một trong số những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Doanh nghiệp bạn sẽ được đánh giá và thừa nhận là có hệ thống quản lý tốt về an toàn thực phẩm và đủ khả năng cung cấp sản phẩm thực phẩm an toàn ra ngoài thị trường khi đạt được chứng nhận ISO 22000:2018.

 

Ngoài ra, mọi tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung cấp thực phẩm đều có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000, không phân biệt quy mô, loại hình (Bao gồm cả những tổ chức hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong chuỗi thực phẩm).

 

Tiêu chuẩn HACCP

 

HACCP từ viết tắt của “Hazard Analysis & Critical Control Point” – Phân tích mối nguy và Kiểm soát điểm tới hạn.

 

Tương tự như ISO 22000, tiêu chuẩn HACCP được xem là một công cụ phổ biến trong ngành thực phẩm có chức năng xác định và ngăn chặn các mối nguy hại cụ thể hoặc đang tiềm ẩn có nguy cơ gây ảnh hưởng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

 

HACCP có thể xác định được mối nguy như: Các mối nguy từ sinh học, mối nguy hóa học, vật lý, hay các điều kiện bảo quản, vận chuyển, sử dụng.

 

Đối tượng áp dụng HACCP gồm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…; các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, khu chế xuất, thức ăn công nghiệp; cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn và các tổ chức hoạt động liên quan đến thực phẩm.

 

Tiêu chuẩn FSSC 22000

 

FSSC 22000 – Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm. Đây là một trong những tiêu chuẩn phát triển về sản xuất thực phẩm an toàn đầu tiên ở quy mô quốc tế.

 

Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế FSSC 22000 cung cấp một khuôn khổ cho việc quản lý hiệu quả trách nhiệm về chất lượng và an toàn thực phẩm.

 

Để áp dụng và đạt chứng nhận FSSC 22000, đầu tiên các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất chế biến của doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu. Không được bỏ qua bước phân tích nhận diện và kiểm soát mối nguy theo nguyên tắc HACCP. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải đánh giá rủi ro và thiết lập chương trình phòng vệ thực phẩm để kiểm soát nhiễm bẩn cố ý do mục đích phá hoại.

 

Những lĩnh vực được cấp chứng nhận FSSC 22000: (1) Sản xuất thực phẩm; (2) Sản xuất bao bì thực phẩm; (3) Sản xuất thức ăn chăn nuôi; (4) Trồng trọt cũng như vận chuyển và lưu trữ; (5) Phục vụ, bán lẻ và bán buôn; (6) Hóa chất sinh học.

 

Tiêu chuẩn GMP

 

GMP được viết tắt từ cụm từ Good Manufacturing Practices, là hướng dẫn thực hành sản xuất tốt. Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm này tập trung áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm yêu cầu điều hiện vệ sinh cao như: thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế, đồng thời thích hợp cả trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, khách sạn,… nhằm kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, dụng cụ chế biến, thiết bị; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến.

 

Từ đầu tháng 07/2019, theo quy định, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe bắt buộc đều phải đạt tiêu chuẩn GMP. Điều đó có nghĩa, sau mốc thời gian trên doanh nghiệp sẽ không được phép tiếp tục sản xuất nếu không được cấp chứng nhận GMP.

 

Tiêu chuẩn BRC

 

BRC (British Retail Consortium) là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, được xây dựng và ban hành bởi Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc.

 

Cũng giống như hầu hết các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến hiện nay. Doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn BRC với mục đích kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn an toàn. Tiêu chuẩn đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tuân thủ luật lệ và bảo vệ người tiêu dùng.

 

Giấy chứng nhận BRC được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu. Đối tượng áp dụng BRC bao  gồm: các cơ sở sản xuất, công  ty, nhà máy thực hiện  sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nói chung (ví dụ: thủy sản, rau củ quả, nước uống, bia, rươu, dầu ăn,…). Và không áp dụng cho các hoạt động liên quan tới bán sỉ nhập khẩu, phân phối hay tồn  trữ  ngoài  sự  kiểm  soát  của  tổ chức.

 

Tùy vào mục đích của doanh nghiệp hoặc theo yêu cầu của đối tác kinh doanh mà doanh nghiệp có thể lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp nhất với doanh nghiệp mình để áp dụng.

 

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đang triển khai thực hiện Chương trình "hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025", trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng (như ISO 9001, FSSC 22000, HACCP, GMP…) với mức hỗ trợ tối đa là 45 triệu đồng/hệ thống.

 

Các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum nếu có nhu cầu hỗ trợ xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng, đề nghị liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum (qua Phòng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà B, Khu Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum (Phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Điện thoại: 02603.862.518.

Hồng Vân

Số lượt xem:1580

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum















Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


652761 Tổng số người truy cập: 2701 Số người online:
TNC Phát triển: