banner
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024
Các loại phương tiện đo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo Luật Đo lường
6-4-2022

Để giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kon Tum nắm rõ các quy định của pháp luật về đo lường, tránh các hành vi vi phạm về đo lường, bài viết sau đây đề cập đến một số nội dung cơ bản về phương tiện đo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo Luật Đo lường năm 2011.

 

 Theo Luật Đo lường năm 2011, “đo lường” là việc xác định, duy trì giá trị đo của đại lượng cần đo.

 

Về nguyên tắc, hoạt động đo lường phải đảm bảo tính thống nhất, chính xác; Minh bạch, khách quan, chính xác; công bằng giữa các bên trong mua bán, thanh toán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; An toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; Thuận lợi cho giao dịch thương mại trong nước và quốc tế; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường; Phù hợp với thông lệ quốc tế; Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hoạt động đo lường trên cơ sở bảo đảm tuân thủ quy định của Luật đo lường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

 Các loại phương tiện đo theo Luật Đo lường năm 2011 gồm phương tiện đo nhóm 1 và phương tiện đo nhóm 2.

 

Phương tiện đo nhóm 1: Là những phương tiện đo được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất hoặc các mục đích khác, không quy định cho phương tiện đo nhóm 2. Phương tiện đo nhóm 1 được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố.

 

Phương tiện đo nhóm 2: Là những phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác. Phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.

 

Các yêu cầu cơ bản đối với phương tiện đo được quy định tại Luật Đo lường năm 2011:

 

- Yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo phải được thể hiện trên phương tiện đo hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm.

 

- Cấu trúc của phương tiện đo phải bảo đảm ngăn ngừa sự can thiệp dẫn đến làm sai lệch kết quả đo.

 

- Đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.

 

Những hành vi bị cấm trong hoạt động đo lường:

 

- Lợi dụng hoạt động đo lường để gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

- Cố ý làm sai lệch phương tiện đo, kết quả đo.

 

- Cố ý cung cấp sai, giả mạo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

 

- Giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa nội dung trên dấu định lượng, dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định.

 

Xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo Điều 52 Luật Đo lường:

 

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về đo lường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

3. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của pháp luật về đo lường tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

4. Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về đo lường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

 

5. Trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 

Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản này.

Hồng Vân

Số lượt xem:1463

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Công báo tỉnh Kon Tum

de tai khoa hoc cap tinh







Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Trung Kim - P. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính công tỉnh Kon Tum - Tổ 8, P. Thống Nhất, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862518 - Email: skhcn@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang


67199 Tổng số người truy cập: 1587 Số người online:
TNC Phát triển: